Ngăn chặn hành vi gây nhiễu loạn giá đất

Chưa bao giờ vấn đề quản lý đất đai lại “nóng” như hiện nay. Các hành vi  “thổi giá” khiến bất động sản tăng “nóng” cần được chấn chỉnh kịp thời, tránh để lại những hệ lụy cho xã hội.

Nhiều nhà đầu tư đã đổ về các vùng ven trung tâm, vùng nông thôn để “săn” đất thổ cư, đất nông nghiệp và cả đất rừng sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều nhà đầu tư đã đổ về các vùng ven trung tâm, vùng nông thôn để “săn” đất thổ cư, đất nông nghiệp và cả đất rừng sản xuất. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hành vi gây nhiễu loạn thông tin nhằm lừa đảo để trục lợi đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, sản xuất, kinh doanh... Trong khi người dân có nhu cầu thật sự thì không thể tiếp cận, không thể mua được do “giá ảo” quá cao so giá trị thực tế. Hành vi này còn gây mất trật tự an toàn xã hội, rối loạn thị trường nhà đất, đe dọa sự an toàn của hệ thống tín dụng, tạo ra “bong bóng” bất động sản. Theo Bộ Xây dựng, sau cuộc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm, giá rao bán tại các dự án khu đô thị, nhà ở khu vực này đã đồng loạt tăng, tuy nhiên ghi nhận giao dịch rất ít.

Do đầu tư đất đai, bất động sản mang lại lợi nhuận đặc biệt lớn, làm giàu nhanh nên nhiều đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật, đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh để trục lợi. Hậu quả tiêu cực mà các đối tượng gây ra cho thị trường nhà đất là rất lớn. Bởi không những ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước mà còn gây nhiễu loạn thị trường và cuối cùng người hưởng lợi là “cò đất”, những nhà đầu tư còn giấc mộng an cư của những người dân thật sự có nhu cầu lại ngày một xa.

Mục đích của các đối tượng làm nhiễu loạn thị trường là để trục lợi. Đơn cử, vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, các đối tượng cố tình đẩy giá lên cao ngất ngưỡng rồi bỏ cọc, làm cho thị trường bất động sản khu vực này, thậm chí cả phạm vi TP Hồ Chí Minh bị chao đảo, nhiễu loạn. 

Có thể nói, thời gian gần đây cùng với việc đất đai “sốt”, tăng giá vùn vụt thì tình trạng lừa đảo, dự án “ma”, làm giấy tờ giả cũng theo đó mà tăng lên. Đặc biệt là hành vi làm giá, “thổi giá” gây nhiễu loạn đất đai để trục lợi diễn ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Nhiều nhà đầu tư đã đổ về các vùng ven trung tâm, vùng nông thôn để “săn” đất thổ cư, đất nông nghiệp và cả đất rừng sản xuất để đầu cơ. Những hiện tượng rao bán đất không phù hợp quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn cũng xuất hiện. “Cò mồi” thường xuyên tụ tập, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày. 

Theo các chuyên gia kinh tế, giá đất tăng không đúng giá trị thực lâu dài sẽ dẫn tới nguy cơ trầm lắng cho nền kinh tế và sẽ ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà ở giá thấp, gia tăng sự chênh lệch giàu nghèo. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, quyết liệt, mạnh mẽ. Theo đó, cần ngăn chặn từ gốc các hành vi vi phạm, có biện pháp ngăn chặn ngay khi có dấu hiệu mà không chờ hậu quả xảy ra rồi mới vào cuộc xử lý. Thậm chí, điều tra, xử lý cả những đối tượng có hành vi đăng tải tin tức quảng cáo sai sự thật, cố tình “thổi giá” ảo chứ không chỉ những người trực tiếp tham gia đấu giá. Có như vậy, mới xử lý triệt để, dứt điểm chứ không chỉ xử lý phần ngọn, xử lý tình huống như một số trường hợp vừa qua. Bởi khi hậu quả đã xảy ra thì vừa tốn kém thời gian công sức của cơ quan chức năng và gây ra thiệt hại lớn cho công dân, tổ chức cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II/2021, hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” đã xảy ra. Trong đó, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như ở các vùng ven ở Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (tăng 45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%). Ngoài ra, nhiều địa phương như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn.