Mở rộng không gian đọc trong cộng đồng

Những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã chú trọng triển khai nhiều đề án quan trọng về phát triển văn hóa đọc cũng như xây dựng, mở rộng không gian đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, cá nhân cũng từng bước đầu tư phát triển thư viện tư nhân, góp phần đa dạng hóa không gian đọc sách, phục vụ ngày càng đông đảo độc giả.

Mô hình thư viện tư nhân phục vụ đọc sách miễn phí xuất hiện ngày càng nhiều ở Đà Nẵng.
Mô hình thư viện tư nhân phục vụ đọc sách miễn phí xuất hiện ngày càng nhiều ở Đà Nẵng.

Xây dựng thư viện cơ sở

Sau hơn bốn tháng đi vào hoạt động, Nhà truyền thống và thư viện quận Liên Chiểu (đường Trần Nguyên Đán, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) trở thành địa điểm đọc sách hấp dẫn, quen thuộc của đông đảo sinh viên, công nhân lao động và người dân. Bà Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Liên Chiểu cho biết, Nhà truyền thống và thư viện quận Liên Chiểu được khánh thành đầu năm 2022 với tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng. Công trình có diện tích khoảng 800 m2. Tại đây có phòng truyền thống, phòng hội thảo, thư viện điện tử, không gian đọc sách ngoài trời, phòng đọc, kho sách, khu cà-phê… với hơn 5.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, phục vụ miễn phí độc giả ở mọi lứa tuổi. Đây là thư viện cấp quận được đánh giá hiện đại, quy mô nhất hiện nay trên địa bàn thành phố. Được biết, thư viện mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Trung bình mỗi ngày, thư viện tiếp đón khoảng 30-40 lượt độc giả. Vào các ngày cuối tuần, lượng sinh viên, công dân đến đọc sách, nghiên cứu, học tập tăng cao.

Là một độc giả thường xuyên lui tới thư viện, em Dương Bá Đạt (sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng) chia sẻ: “Thư viện không chỉ có không gian rộng rãi, thoáng đãng mà còn có số lượng sách lớn, đa dạng về thể loại và được cập nhập liên tục. Đây là nơi tra cứu thông tin, đọc sách và học tập lý tưởng cho các bạn sinh viên như em”.

Bên cạnh các thư viện quy mô lớn, tại TP Đà Nẵng không khó để bắt gặp các phòng đọc sách, tủ sách quy mô vừa và nhỏ được bố trí ngay trong khu dân cư, tổ dân phố để phục vụ người dân. Phần lớn các tủ sách này được đặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng, công viên hoặc khuôn viên sân nhà của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố để người dân thuận tiện lui tới đọc. Chưa hết, các hội, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đều đẩy mạnh xây dựng các công trình thi đua, công trình thanh niên là những thư viện sách, tủ sách và trao tặng cho các khu vực chưa có tủ sách, trường học miền núi. Mặc dù các thư viện, tủ sách ở cơ sở còn hạn chế về số lượng đầu sách, thể loại nhưng đã phần nào đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân địa phương.

Hấp dẫn cà-phê sách, thư viện tư nhân

Từ năm 2016, mô hình cà-phê sách dần phổ biến và được nhiều chủ quán tại TP Đà Nẵng triển khai. Tại các quán thường có tủ sách, kệ sách với các loại sách, báo, truyện thông dụng. Độc giả là những khách hàng đến uống nước và mượn sách đọc tại chỗ. Đặc biệt, tại TP Đà Nẵng hiện có các công viên, cà-phê sách do đối tác nước ngoài trao tặng. Điển hình là Công viên cà-phê sách Đà Nẵng - Daegu do TP Deagu (Hàn Quốc) tài trợ. Công viên được xây dựng tại Nhà văn hóa khu tập thể Hòa Cường (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Tại đây có phòng đọc sách với hàng trăm đầu sách bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn. Chưa hết, nơi đây còn có khu vui chơi cho trẻ em, nơi uống cà-phê cho người lớn nên thu hút đông đảo người dân. Tương tự, quán cà-phê sách Đầm Rong (tại nhà sinh hoạt cộng đồng Đầm Rong 2, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2019 đã trở thành điểm đọc sách, vui chơi, thư giãn lý tưởng vào mỗi dịp cuối tuần cho người dân và học sinh trên địa bàn. 

Qua khảo sát, trên địa bàn thành phố hiện có hàng chục quán cà-phê sách đã và đang hoạt động. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, xây dựng các thư viện tư nhân và phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Trong đó phải kể đến thư viện tư nhân Olive Gallery Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) vừa mở cửa và đi vào hoạt động từ tháng 2. Chị Tống Thu Huyền, người sáng lập Olive Gallery Đà Nẵng cho biết, đây là thư viện tư nhân được xây dựng từ tâm nguyện của gia đình. Tại đây có thư viện sách và phòng triển lãm tranh với diện tích khoảng 500 m2, phục vụ miễn phí từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Thư viện hiện có hơn 10.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại được chọn lọc kỹ càng để đáp ứng nhu cầu đọc của đông đảo độc giả. Ngoài sách, nơi đây còn trưng bày hàng trăm tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam và nước ngoài phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.

TP Đà Nẵng hiện có Thư viện Khoa học tổng hợp và sáu thư viện trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các quận gồm: Cẩm Lệ, Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Ngoài ra, có 16/56 phường, xã có thư viện, phòng đọc sách. Một số phòng đọc sách phường, xã được bố trí trụ sở riêng như phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), phường Khuê Trung và Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Các phòng đọc sách phường, xã còn lại được bố trí kết hợp tại phòng truyền thống, nhà văn hóa cộng đồng.