Lụi cụi mưu sinh

Thủ đô cho phép một số ngành nghề được hoạt động trở lại, mang đến niềm vui và hy vọng cho những người lao động nghèo vì có thể tự do mưu sinh. Dẫu vậy, khi nền kinh tế còn đang gặp nhiều khó khăn, việc đối mặt những thách thức mới nơi thành thị lại càng thêm cam go, nhất là khi cuộc sống nay cũng không còn như trước.

Người lao động tự do trở lại với những công việc mưu sinh thường ngày.
Người lao động tự do trở lại với những công việc mưu sinh thường ngày.

Vượt qua khó khăn

Năm ngoái, anh Phùng Đình Đức, quê ở Ba Vì, mở một cửa hàng sửa xe máy sau gần 10 năm đi làm thuê. Cực một nỗi, Đức mở cửa hàng đúng thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội nên mọi hoạt động đều đóng băng. Không có khách, anh Đức phải trả lại mặt bằng, thanh lý cửa hàng rồi về quê tìm việc. Đầu năm nay, khi dịch dã có phần được kiểm soát, anh Đức lại vay mượn rồi mở cửa hàng, được một tháng thì dịch bùng phát lần thứ tư. “Cửa hàng mở ra chưa làm được gì thì dịch cứ bùng liên tiếp, vừa rồi đang định thanh lý cửa hàng thì thành phố nới lỏng giãn cách. Thời điểm này có việc làm là mừng lắm rồi, không dám đòi hỏi hơn”, anh Đức nói.

Hơn 10 năm trước, rời quê lên thành phố tìm việc làm, anh Đỗ Văn Cường (quê Nam Định) được một người quen cùng quê nhận làm thợ hồ trong một công trường xây dựng ở quận Cầu Giấy. Trước khi dịch bùng phát, tháng nào công việc đều đều thì tổng thu nhập của anh được hơn 10 triệu đồng, bình thường duy trì mức 7 - 8 triệu đồng. Trừ chi phí tiền nhà và sinh hoạt ăn uống, mỗi tháng anh gửi về cho vợ nuôi con dưới quê 5 triệu đồng. Đó là chuyện của những năm trước. Đến thời điểm này, có sức khỏe, không ngại vất vả nhưng dù là thợ xây, khuân vác hay việc gì đi nữa, anh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Không có việc, nhưng những chi tiêu hằng ngày vẫn phải tính đến, mà giờ khó khăn như này thì anh chưa biết tính sao. Chưa kể, ở quê anh còn có mẹ già, mấy năm nay ốm phải nằm một chỗ, nhà còn mấy sào ruộng, nhưng năm hai vụ mùa không đủ ăn. Con cái thì đã lập gia đình nhưng đều ở xa và cuộc sống cũng rất khó khăn. Thu nhập nghề phụ ở quê không có. Giờ đây, muốn tìm được một công việc ở thành phố để có thu nhập cũng chẳng phải là chuyện dễ.

Chị Lê Thị Ngọc (quê Phú Thọ) quyết tâm ở lại chờ thành phố mở cửa. Trước khi nghỉ vì dịch, chị là thợ gia công sản phẩm cho một công ty tư nhân ở quận Thanh Xuân. Cũng như bao hoàn cảnh khác, dịch dã đến khiến vợ chồng chị thất nghiệp mấy tháng trời, không lương, không trợ cấp. Cũng may, trước đó anh chị dành dụm được chút tiền. Nhưng ngần ấy chỉ đủ sinh hoạt, trả tiền thuê trọ ba tháng là hết. Tháng gần đây thì được nhận 2 triệu đồng trợ cấp của Nhà nước nên tạm ổn. “Nhiều người khuyên về quê nhưng nếu về cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Về cũng làm khổ gia đình, rồi hai đứa con đang sống cùng ông bà biết lấy gì nuôi chúng. Tôi hy vọng sắp tới công ty sẽ có nhiều hợp đồng để làm việc”, chị chia sẻ. 

Còn nhiều nỗi lo phía trước

Thành phố mở cửa, chị Nguyễn Thị Lý quay lại tiếp tục với nghề thu mua đồng nát. Chị nói: Ngơi tay, ráo mồ hôi là cái nồi cũng sạch. Vất vả đến mấy thì cũng phải cố công để còn có cái bỏ miệng. Bình thường vốn đã khó khăn, giờ đây lại càng khó khăn hơn khi người dân cũng thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm. Vì thế, ngày 8/3 hay 20/10 với tôi đều như nhau, không khác những ngày thường, vẫn sáng sớm rời khỏi nhà, đạp xe đi thu mua đến khi tối mịt mới trở về. Ngày nào cũng phải chạy vạy lo từng bữa ăn thì làm gì dám nghĩ đến chuyện được tặng hoa với quà. Tôi biết có ngày dành cho phụ nữ, nhưng những người lao động tay chân như chúng tôi ai cũng phải làm việc để nuôi mấy miệng ăn ở nhà.

Người ở quê ra thành thị tìm việc, chủ yếu làm nghề tự do, nhưng qua hai năm dịch bệnh kéo dài, nhiều người lại phải tìm đường trở về nơi xuất phát. Những lao động may mắn có việc làm thì luôn cố gắng giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi chi phí, sinh hoạt hằng ngày như điện, nước… đều giảm hết mức có thể. Còn với những lao động thất nghiệp, mất việc thì khó khăn càng nhân lên gấp bội, nhất là với lao động sống xa gia đình, phải ở trọ. Vì thế, chừng nào dịch bệnh còn có nguy cơ bùng phát thì việc làm của người lao động còn bị ảnh hưởng và sẽ càng nặng nề hơn. Đây cũng chính là nỗi lo của các tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ và người lao động, đặc biệt là những lao động tự do. Thế nên, dù nhiều nơi đã trở lại trạng thái bình thường mới với các hoạt động sản xuất trong điều kiện cho phép, nhưng những người yếu thế vẫn là nhóm chịu nhiều thiệt thòi nhất, do liên tục phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh nghiệt ngã.

Sau thời gian dài chống chọi dịch bệnh, thành phố đang dần phục hồi, từng bước trở lại với một trạng thái mới. Có thể, khi cuộc sống quay trở lại, nhiều thứ sẽ không còn như xưa nữa, nhưng chắc chắn rằng mọi người vẫn sẽ yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, để không ai bị ở lại phía sau, giống như cách mọi người vẫn đang giúp đỡ nhau cùng sống chung an toàn với đại dịch.

Theo thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng vẫn còn gần chục triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn.