Linh hoạt để thực hiện mục tiêu kép

Sau gần hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đã đạt một số kết quả nhất định. Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, thành phố cần chủ động thích nghi hoàn cảnh mới để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Nhiều vùng an toàn đang lên kế hoạch nới lỏng giãn cách.
Nhiều vùng an toàn đang lên kế hoạch nới lỏng giãn cách.

Phân vùng phòng, chống dịch

Để kiềm chế đà lây lan dịch bệnh, TP Hà Nội đã chủ động thiết lập hệ thống phòng, chống dịch theo từng lớp, bố trí tới tận các thôn, xóm, ngõ, tổ dân phố, khu chung cư… một cách chặt chẽ từ ngoài vào trong. Đồng thời, phân vùng phù hợp mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý, dân cư, sinh hoạt, sản xuất, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng. Thông qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng cộng đồng, Hà Nội đã đánh giá được mức độ nguy cơ của dịch theo từng địa bàn, cơ bản phân biệt rõ “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng xanh”. Từ đó, thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất phù hợp tình hình dịch bệnh cụ thể theo từng địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hải, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai cho biết: “Thành phố đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội rất kịp thời. Số ca mắc mới trong cộng đồng đến nay đã giảm đáng kể cho thấy nỗ lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch của thành phố”.

Đối với các “vùng đỏ” như quận Đống Đa, với các ổ dịch tại phường Văn Miếu, Văn Chương; quận Hoàng Mai với ổ dịch tại phường Giáp Bát; quận Thanh Xuân với ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung…, yêu cầu đặt ra là phải siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn để bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg một cách thực chất. Trong khi đó, đối với một số nơi mức độ nguy cơ thấp hơn như các huyện Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây… đặt ra đòi hỏi cho phép nới lỏng hơn bên trong từng địa phương để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh tế. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với những vùng nguy cơ cao vẫn phải tiếp tục thực hiện giãn cách, thậm chí phải áp dụng các biện pháp mạnh hơn. Còn đối với những địa bàn dịch đã ổn, thành phố nên cân nhắc nới lỏng để cho người dân làm ăn kinh tế, đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện cho phép. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm lớn của nhiều người, bởi thực tiễn cho thấy, giãn cách xã hội là giải pháp đúng để hạn chế dịch bùng phát, nhưng không thể kéo dài do gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội. 

Chủ động ứng phó

Để chủ động trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đang tiến hành công tác chuẩn bị nơi thu dung, điều trị F0 với hơn 40.000 giường và nơi cách ly tập trung F1 đáp ứng 100.000 người cách ly theo mô hình tháp ba tầng của Bộ Y tế, mục tiêu không để F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Hiện, TP Hà Nội đang thực hiện tiêm chủng mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định. Đặc biệt, ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng để nhanh chóng phủ sóng tiêm vaccine toàn thành phố. 

Những ngày qua, việc thiết lập các “vùng xanh” an toàn đã tạo điều kiện cho một số vùng tại các huyện Gia Lâm, Thạch Thất… được phép mở cửa kinh doanh dịch vụ ăn (không uống) trở lại, nhưng chỉ được bán hàng mang về. Vì thế, nhiều địa phương đã tính đến những phương án nới lỏng dần như giãn cách từng phần, từng vùng, từng khu vực để người dân trong vùng an toàn được tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh, tái phục hồi nền kinh tế. Ngoài ra, một số nơi cũng tính đến phương án mở cửa với những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine làm việc trong nhà xưởng, nhà máy, cơ quan… nhằm duy trì chuỗi cung ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong các cuộc họp chỉ đạo công tác chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh việc xác định cuộc chiến với dịch Covid-19 còn lâu dài, do đó đòi hỏi mỗi địa phương phải luôn chủ động, kịp thời thích ứng và có cách làm phù hợp để sống chung với dịch. Bởi lẽ, nhìn từ tình hình chống dịch trong nước cũng như trên thế giới, việc khống chế tuyệt đối đại dịch Covid-19 tại thời điểm này là chưa thể. Tuy nhiên, cũng không thể giãn cách xã hội mãi được, vì sẽ dẫn đến những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề sẽ nảy sinh những tiêu cực khó lường.

Đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường, việc thiết lập chiến lược lâu dài bằng các kịch bản thích ứng an toàn từ đi lại, sản xuất, dịch vụ thiết yếu đến mục tiêu, hành động, phương pháp cụ thể trong điều kiện có dịch là việc cần được tính đến. Thành phố cần chủ động đi trước, làm trước một bước để tăng hiệu quả công tác phòng, chống dịch, bảo vệ an toàn, vững chắc vùng Thủ đô. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân khi luôn tin tưởng, chung sức, đồng lòng tham gia tích cực vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.