Huế phấn đấu giảm rác thải nhựa

Cùng nhiều đô thị khác ở Việt Nam và trên thế giới, TP Huế vừa tham gia mạng lưới sáng kiến các đô thị giảm nhựa. Đô thị Huế đặt mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024 thông qua các biện pháp can thiệp, có sự tham gia của các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.

Đô thị Huế đặt mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024.
Đô thị Huế đặt mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác nhựa vào năm 2024.

Đe dọa môi trường

Giữa tháng 11 vừa qua, UBND TP Huế cùng Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khởi động dự án “Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền trung Việt Nam”. Trước đó, các chuyên gia đã đưa ra kết quả đánh giá ban đầu về hệ thống quản lý chất thải rắn ở TP Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng. 

Theo đó, TP Huế sau khi mở rộng thêm đã có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Hiện nay, khu vực này đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi các hoạt động xả thải trực tiếp rác thải trên sông Hương và các hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn thành phố. 

Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải ở TP Huế rất cao 98%, cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhóm tình nguyện và các bên liên quan khác, nhưng ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ chung quanh Hoàng thành, các khu chợ ngoài trời, bãi biển công cộng. Việc thất thoát rác thải nhựa làm tắc nghẽn các dòng sông và đe dọa các hệ sinh thái và môi trường biển, ven biển. Điều này có tác động tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế, bao gồm du lịch, vận tải biển và nuôi trồng thủy sản. Theo kết quả đánh giá ban đầu của các nhóm tư vấn trong khuôn khổ thực hiện dự án, về hệ thống quản lý chất thải rắn ở TP Huế nói chung và rác thải nhựa nói riêng cho thấy, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP Huế ước khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Trong đó, khối lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường ở TP Huế ước tính vào khoảng 3,13% so với tổng khối lượng rác thải phát sinh. 

Không rác nhựa vào năm 2030

Dự án “Huế-Đô thị giảm nhựa ở miền trung Việt Nam” được xây dựng với mục tiêu hướng đến là năm 2024, Huế trở thành đô thị với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi. Dự án được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024) với mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030.

Theo ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, bằng việc tham gia dự án này, Huế trở thành đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới sáng kiến các đô thị giảm nhựa. “Chúng tôi tin tưởng việc tham gia vào mạng lưới này sẽ giúp TP Huế huy động thêm nguồn lực triển khai các hoạt động cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm rác thải nhựa cũng như có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đô thị khác trong và ngoài nước” ông Song nhận định. Ngoài ra, theo ông Song, thông qua việc tham gia dự án, hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được củng cố trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, góp phần cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm nhựa của WWF-Việt Nam cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa vẫn là một vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt những ảnh hưởng tiềm ẩn đến sinh kế của ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ, do việc ô nhiễm này có thể dẫn đến giảm nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, bà Thúy đề nghị cần phải có những can thiệp mạnh mẽ ngay lập tức để ngăn chặn vấn đề này và giảm các tác động của rác thải nhựa đối với các dòng sông, khu vực đất nước ngập nước ven biển. 

“Chúng tôi hy vọng Huế có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc tham gia vào mạng lưới đô thị giảm nhựa toàn cầu do WWF khởi xướng. WWF cam kết nỗ lực hỗ trợ TP Huế thực hiện chương trình này bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện tham gia cho các bên liên quan, cung cấp các hướng dẫn triển khai và hỗ trợ nguồn lực, nhằm đạt được mục tiêu là thành phố không còn rác thải nhựa ngoài môi trường tự nhiên vào năm 2030”, bà Thúy nhấn mạnh.

Ngoài ra, kết quả đánh giá ban đầu còn cho thấy hơn 83% hộ được phỏng vấn ở khu vực đầm phá Tam Giang-Cầu Hai cho rằng, rác thải nhựa tác động xấu đến môi trường đất và các loại sinh vật biển cũng như sức khỏe con người.