Hà Nội:

Giữ chợ an toàn

Sau những đợt giãn cách dài ngày căng thẳng, hoạt động tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối đã dần trở lại. Việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch tại đây đang được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.

Chợ dân sinh vẫn cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Chợ dân sinh vẫn cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ý thức người dân đã cao hơn

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm tăng cao, dẫn đến xáo trộn thị trường mua bán. Tâm lý lo sợ thiếu lương thực khiến nhiều người đề phòng thái quá bằng việc tích trữ nhiều mà bỏ qua tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chưa kể, nhiều nơi còn xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh mua hàng hóa khá phản cảm. 

Nhưng nay, hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh đang chuyển sang trạng thái khác. Đó là sự ngăn nắp, trật tự, vệ sinh, không thấy cảnh chen lấn, xô đẩy. Sự nhường nhịn, giữ khoảng cách theo quy định đã được người dân ý thức thực hiện. Ở nhiều chợ trên địa bàn TP Hà Nội luôn có lực lượng chức năng túc trực, nhắc nhở, hướng dẫn, điều phối giao thông, luân chuyển hàng hóa một cách trật tự. Người mua, người bán nghiêm túc thực hiện khử khuẩn theo nguyên tắc 5K tại từng khu vực. 

Một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã và đang áp dụng hình thức kẻ vạch, quây nylon cửa hàng, tạo vách ngăn, phân luồng hay căng dây giúp người dân giãn cách khi mua bán. Tại chợ Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), lối vào chợ đã được kẻ vạch và phân thành hai làn đường kẻ liền mầu trắng quy định phạm vi bán hàng của tiểu thương. Bên cạnh đó, là các ô tròn mầu hồng quy định vị trí của người mua, mỗi ô cách nhau 2 m. Đây là một trong những sáng kiến hay, đã phần nào phát huy tác dụng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, phường Tân Mai nhận xét, nhiều người đến chợ nghiêm chỉnh thực hiện khử khuẩn đúng quy định. Từ khi được phân làn, kẻ vạch, đoạn đường vào chợ không bị ùn tắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa tuân thủ đúng các vạch hướng dẫn này nên có lẽ các cơ quan chức năng cần tính thêm biện pháp khác để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tăng kiểm soát để kinh doanh an toàn

Chợ dân sinh, chợ đầu mối vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tại một số địa phương, các ca bệnh khi vô tình đến chợ đã tạo thành những ổ dịch phức tạp khiến việc truy vết, khoanh vùng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ đầu mối, chợ dân sinh đang được các quận, huyện chủ động triển khai bằng các biện pháp cụ thể. Trong trạng thái bình thường mới, hiện các chợ đầu mối, chợ bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, Ban quản lý một số chợ đầu mối cũng luôn giám sát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nông sản bán tại chợ, đồng thời kiểm soát tốt lượng người ra, vào chợ hằng ngày.

Là địa bàn rộng, có khá nhiều chợ lớn nhỏ khác nhau gồm một chợ đầu mối và 12 chợ dân sinh, quận Hoàng Mai đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Tại chợ đầu mối Đền Lừ, các tiểu thương kinh doanh đều chấp hành việc đeo khẩu trang phòng dịch, giữ khoảng cách an toàn trong giao dịch thương mại và thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc gần với khách hàng. Ngoài cổng chợ, Ban quản lý chợ lập chốt phòng, chống dịch Covid-19 và bố trí nước rửa tay sát khuẩn, yêu cầu tất cả các tiểu thương, người dân ra vào chợ phải nghiêm túc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang. Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Đền Lừ cho biết, trước lối vào chợ, lực lượng ứng trực luôn có mặt, hướng dẫn người dân khai báo y tế, quét mã QR. Cùng với đó, phân luồng giao thông, tăng cường nhân lực tại chốt ra vào, yêu cầu các hộ kinh doanh phải có giấy xét nghiệm Covid-19.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, cảnh báo chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thành lập đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu tại các chợ đầu mối để hạn chế nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện tốt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm việc tiêu thụ hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thành phố nới lỏng giãn cách nên việc thực hiện các biện pháp phòng dịch như tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch và an toàn thực phẩm tại chợ càng cần triển khai triệt để.