Điều kiện cần và đủ để tiêm vaccine

Tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch. Từ ngày 8-3-2021, vaccine của hãng AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm chủng tại Việt Nam. Đến nay, nhu cầu được tiêm để phòng bệnh ngày càng tăng, tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine của hãng này. 

Vaccine của hãng AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm chủng tại Việt Nam.
Vaccine của hãng AstraZeneca đã được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm chủng tại Việt Nam.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng sáu tháng từ ngày sản xuất. Lô vaccine đã mở chỉ sử dụng trong vòng sáu giờ. Việc tiêm vaccine AstraZeneca gồm hai mũi, cách nhau 12 tuần. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và là một trong ba loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua, chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Hướng dẫn khám sàng lọc của Bộ Y tế được áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng nhà nước và tư nhân trên cả nước. Theo đó, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải hỏi kỹ tiền sử bệnh. Cụ thể là tình trạng sức khỏe hiện tại để phát hiện các bệnh cấp tính mà người tiêm đang mắc, trong đó đặc biệt lưu ý với người đang sử dụng kháng sinh, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị HIV (bằng thuốc ARV). Cùng với đó, trong quá trình khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi về tiền sử tiêm vaccine khác trong 14 ngày qua.

Theo Bộ Y tế, có chín đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng vaccine AstraZeneca gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; người trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước; người đã mắc Covid-19 trong vòng sáu tháng; người hơn 65 tuổi và người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

Tại hướng dẫn này cũng quy định bốn đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng. Cụ thể các đối tượng như: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống (mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút; huyết áp tăng hoặc giảm, nhịp thở trên 25 lần/phút) phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh. Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ hai trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine.

Ngoài ra, hướng dẫn cũng yêu cầu nhân viên y tế cần phải hỏi về tiền sử dị ứng của người chuẩn bị tiêm phòng, đó là tiền sử bệnh dị ứng của cá nhân (viêm mũi dị ứng, hen phế quản); tiền sử bệnh dị ứng của gia đình (bố, mẹ, con, anh chị em ruột); các loại dị nguyên đã gây dị ứng (côn trùng, thực phẩm, phấn hoa, bụi nhà, hóa chất, mỹ phẩm, dược phẩm); tiền sử dị ứng nặng, bao gồm phản vệ và tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine…

Bước cuối cùng sau khi khám sàng lọc, đối tượng nào nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn và ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng.