Dịch vụ ăn theo mùa ngập

Lau chùi bugi, kéo người và xe qua đoạn đường ngập, mò biển số xe ô-tô, đẩy, khiêng xe qua đoạn ngập… là những dịch vụ “ăn khách” sau mỗi đợt ngập ở Thủ đô. Do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn xuất hiện ở miền bắc ngày mỗi nhiều khiến loại hình dịch vụ này đang thu hút khá nhiều lao động tự do tham gia. Làm thêm, nhưng thu nhập lại khá hơn nhiều nghề chính.

Dịch vụ vận chuyển xe máy qua chỗ ngập. Ảnh: HẢI NAM
Dịch vụ vận chuyển xe máy qua chỗ ngập. Ảnh: HẢI NAM

Cứ mưa là ra đường

Cứ canh trời mưa to liên tiếp, anh Bùi Văn Thanh (Mễ Trì) lại đóng cửa hàng mang đồ nghề đi ra khu vực gầm cầu vượt Phạm Hùng, phía trước tòa nhà Keangnam, một trong những điểm ngập sâu mỗi khi mưa lớn ngồi đợi. Những ngày mưa ngập, sửa xe di động vẫn được xem là nghề nở rộ và “hái” được nhiều tiền nhất. Cánh thợ sửa xe hoặc xe ôm có sẵn đồ nghề sửa trong cốp, đi đến nhiều điểm có người hỏng xe để sửa. Bộ đồ nghề của thợ sửa xe như anh Thanh khá đơn giản, gồm một bình xăng, một vài dụng cụ sửa xe, bugi mới. Mỗi lần kích đề cho xe máy, thợ sửa xe lấy 30 nghìn đồng, thay bugi dao động từ 50 đến 80 nghìn đồng. Trường hợp ngập pô xe và chết máy, các thợ sửa xe sẽ xử lý ngay tại trận với giá khoảng 300-400 nghìn đồng. Chỉ vài tiếng đồng hồ tại đoạn ngập, trung bình một thợ sửa xe kích nổ và thay bugi cho cả chục xe, cả xe số lẫn xe ga. Anh Thanh có một cửa hàng sửa xe máy tại nhà, nhưng theo anh số tiền kiếm được trong một, hai ngày mưa, ngập úng tương đương với cả tuần anh làm việc tại cửa hàng. Mà công việc, theo anh thì “đơn giản, nhẹ nhàng”.

Đoạn đường dài chừng 2km tại khu đô thị Xa La, Hà Đông, cứ mưa lớn là ngập. Nhiều người, chủ yếu là dân làng sống quanh khu đô thị, huy động hết cả xe kéo, xe đẩy, thậm chí xe bò, xe cải tiến, xe lôi ra để trở thành phương tiện cứu hộ tự phát, khiêng xe cộ, người lớn người bé qua đoạn ngập. Giá cả khiêng xe “hữu nghị” nhất khoảng từ 20 đến 30 nghìn đồng/lượt, tùy theo quãng đường và loại xe. Một ngày túc trực ở đoạn ngập, một lao động tự do ở Hà Nội cũng đẩy được khoảng 20 cái xe, kiếm được mấy trăm nghìn đồng, gấp mấy lần ngày làm công. Nhiều lao động làm nghề thu mua phế liệu, bán hàng rong, mấy ngày mưa gió ế ẩm hàng nên chớp “luôn” cơ hội đường sá ngập lụt, huy động thêm chồng và con cái đi khiêng xe, chở người thuê. Cả ngày nếu chăm chỉ, mỗi lao động đều thu được khoản tiền kha khá.

Nghề “độc” mùa ngập

Trước đây, nghề đẩy xe mùa ngập hầu như chỉ thu hút cho các lao động tự do, chủ yếu là người trung tuổi. Nhưng hiện nay, thanh niên, trai tráng quanh các khu đô thị hay bị ngập úng cũng rủ nhau đi đẩy xe ô-tô kiếm tiền. “Đội cứu hộ tự phát”, một thanh niên ở khu vực gần khu đô thị Xa La hài hước mô tả nghề phụ của mình. Không dùng xe kéo, xe đẩy, khoảng vài thanh niên lập thành một nhóm, tham gia đẩy các xế hộp tiền tỷ bị chết máy giữa dòng. Ô-tô càng đắt tiền và quãng đường gần xa, cộng thêm trọng lượng xe lớn thì mức giá đẩy xe là từ 200 đến 500 nghìn đồng. Mỗi xe cần  khoảng 3-5 người đẩy, xe càng đắt tiền, càng nặng thì mức giá cũng tăng lên.

Tranh thủ nhà có xe tải lớn, anh Nguyễn Văn Khoa (An Khánh, Hoài Đức) mở dịch vụ cao cấp hơn là đưa cả người và xe máy qua đoạn đường ngập. Mỗi chuyến băng qua vùng nước, chủ dịch vụ lấy giá từ 50.000 đến 100 nghìn đồng cả người và xe. Trung bình mỗi ngày, anh Khoa đưa hàng chục lượt xe máy qua đoạn ngập, kiếm được khoản không nhỏ. Nối dài ống xả xe máy, đi chợ hộ, lắp cửa chống ngập, các tấm ngăn nước vào nhà… cũng là những nghề đang hái ra tiền sau những trận mưa lịch sử vừa qua. 

Dầm mưa, lội nước mò biển số xe từ lâu đã trở thành một nghề có thể kiếm ra tiền mỗi khi mùa mưa đến. Biển số của các loại xe thường được bắt vào cản trước chỉ bằng các ốc vít (không có đai ốc phía sau). Vì vậy, khi gặp sức cản của nước rất dễ bị bung rơi. Đã có rất nhiều người làm nghề thời vụ này, với cách thức làm việc ngày càng chuyên nghiệp. Tài xế đi qua đoạn ngập rơi biển số, chỉ cần vài phút sau quay lại đã có người đợi sẵn chi tiền “chuộc” là xong. Khu vực đường gom đại lộ Thăng Long, các điểm giao cắt với đường Lê Trọng Tấn kéo dài, đoạn qua khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn (Hoài Đức, Hà Nội) là đoạn có nhiều điểm ngập úng nhất, cũng là đoạn đường mà nghề “mò biển số xe” nở rộ nhất. Một lao động tự do ở đường Lê Trọng Tấn cho biết, chỉ trong buổi sáng của ngày Hà Nội ngập sâu (23/5), anh đã mò được hơn chục chiếc biển số. Ngoài chờ chủ xe đến chuộc lại biển số, những người mò được biển còn đăng lên mạng xã hội để tìm chủ nhân của chúng. Nhiều chủ xe cho rằng đây là mức giá hợp lý vì so với việc làm lại biển số vừa tốn tiền vừa mất thời gian và còn ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống.