Đất vùng ven lại... “sốt”

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản khu vực ngoại thành Hà Nội bỗng sôi động trở lại. Trên các diễn đàn bất động sản, nhiều thông tin rao bán nhà đất tại những khu vực như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn… được đăng tải liên tục.

Đất vùng ven đang được các nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: NGUYỆT ANH
Đất vùng ven đang được các nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: NGUYỆT ANH

Tăng thật hay giá ảo?

Theo lời giới thiệu của người môi giới tên N., Ba Vì hiện đang là nơi tốt nhất nếu muốn đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, trang trại, homestay… Đặc biệt khu vực xã Vân Hòa, Yên Bài, Suối Hai có nhiều mảnh đất đẹp, phong thủy tốt nên thu hút nhiều nhà đầu tư kinh doanh. “Hiện tại, nhiều người có nhu cầu mua đất làm nơi nghỉ dưỡng cuối tuần, không phải ăn theo dự án như trước đây. Thời điểm này, đầu tư vào đất ở Ba Vì sẽ không sợ lỗ, chỉ cần đôi tỷ đồng là có mảnh đất vài trăm m2. Bây giờ không mua, mấy năm nữa giá đất lên sẽ không còn để mua đâu”, N. nói.

Sau một thời “sốt đất”, Tiền Phong là một trong số những xã có nhiều dự án nhà ở bị đình trệ nhất của huyện Mê Linh trong cả chục năm qua. Thế nhưng, ngay sau khi xuất hiện thông tin Mê Linh có thể lên thành phố thì tình hình đã thay đổi. Sau một thời gian dài bị lãng quên, đất ở Mê Linh nay lại được rao bán trên các nền tảng mạng từ Zalo, Facebook… đến trang tin. Giá đất dự án, đất nền trong khu dân cư được đẩy lên cao gấp ba lần so trước đây vốn chỉ từ 10-16 triệu đồng/m2.

Một khu vực bất động sản khác cũng được nhiều người quan tâm là huyện Đông Anh. Thực tế, giá đất ở Đông Anh chưa bao giờ ở mức thấp, dù có thời điểm tạm ngừng trì trệ nhưng giá đất vẫn neo khá cao. Ở thời điểm hiện tại, giá nhà đất mặt đường tại khu trung tâm huyện Đông Anh có giá dao động từ 80-150 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đất trong ngõ có giá “mềm” hơn nhưng cũng rơi vào tầm 40-50 triệu đồng/m2 . Đặc biệt, giá nhà, đất khu vực xã Uy Nỗ, Vĩnh Ngọc, Hải Bối, trung tâm văn hóa huyện Đông Anh đang có giá rất cao, có khi lên đến vài trăm triệu đồng/m2  đất mặt đường, ngang ngửa với giá đất ở khu phố trung tâm nội đô Hà Nội.

Có thể thấy, sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng dịch, thị trường nhà đất đón nhận sự trở lại của lượng lớn khách hàng khi nhu cầu tìm nhà ở đất nền và căn hộ mặt đất. Đặc biệt trong những năm gần đây, người Hà Nội có xu hướng “bỏ phố về quê” trồng rau, nuôi cá nên nhiều gia đình dù vẫn sống ở nội thành nhưng cũng mua đất làm nhà vườn, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần, hoặc góp vốn mua chung một mảnh chờ khi giá đất lên thì bán kiếm lời. 

Cẩn trọng khi đầu tư

Hơn 10 năm trước, tại các huyện như Ba Vì, Thạch Thất, Mê Linh đã từng rộ lên cơn “sốt đất” khi sáp nhập vào Thủ đô. Thời điểm này có thông tin về việc trung tâm hành chính quốc gia sau này sẽ chuyển về Ba Vì nên rất nhiều nhà đầu tư đổ xô về xã Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh “săn” bất động sản nên giá đất nơi đây tự nhiên tăng gấp vài lần. Điều này đã gây ra sự nhiễu loạn trên thị trường bất động sản và phải mất thêm mấy năm điều chỉnh thì tình trạng nhà đất mới trở lại trạng thái bình thường, song những hệ lụy để lại thì khó đong đếm được.

Ngày nay, khi nhà nhà, người người đều đổ xô đi buôn đất thì mỗi khi có thông tin quy hoạch ở đâu đó, rất nhiều người ngay lập tức lên đường tìm mua đất để đầu tư. Gần thì ở các huyện ngoại thành như Ba Vì, Sơn Tây, Hòa Bình, xa hơn thì sang Bắc Ninh, Quảng Ninh, hay thậm chí vào tận Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu… để mua. Điển hình trong số này phải kể đến việc điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc. Khi mỗi lần các địa phương này đề xuất điều chỉnh quy hoạch thì bất động sản các khu vực này cũng điều chỉnh giá bán theo. Tại Hà Nội, khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng vào tháng 6 thì ngay lập tức giá đất tại các khu vực liên quan hai bên bờ sông cũng tăng gấp 2-3 lần. Như vậy, có thể thấy sau mỗi lần điều chỉnh quy hoạch thì giá đất cũng được điều chỉnh, nhưng theo chiều “thẳng đứng”. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản là một trong những kênh được người dân chọn đầu tư nhiều nhất thời gian qua. Trong hai năm dịch bệnh hoành hành, lượng giao dịch đổ vào bất động sản lại càng tăng do tiền dư rỗi rãi, nhiều người chuyển hướng vào đất đai như một kênh đầu tư sinh lời dài hạn. Điều này lý giải cho làn sóng lao vào bất động sản liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, giá tăng cao bất thường sẽ tạo ra sự tích tụ bong bóng. Vì thế, dù thời điểm này giá đất ở các địa phương ngoại thành Hà Nội không “phình” to như những năm trước, nhưng tốc độ tăng như hiện nay cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư cần cẩn trọng.

Theo các chuyên gia quy hoạch, những cơn sốt đất trước kia vẫn là bài học còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong giai đoạn 2008-2010, nhiều nơi được cơn sốt đất đến và đi được ví như một cơn gió. Và không ít lần, bong bóng bất động sản nổ tung đã chôn vùi các nhà đầu tư lướt sóng, muốn đi tắt đón đầu quy hoạch nhưng không thành. Vì thế, đối với những khu vực khi quy hoạch chưa công bố rõ ràng, các nhà đầu tư cần thận trọng tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành giao dịch, nhất là trong thời điểm tranh tối, tranh sáng thì đây còn là cơ hội để giới đầu cơ tạo ra các cơn tăng giá ảo.