Đắt hàng xe đạp

Khi các phòng tập, trung tâm rèn luyện thể thao phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhu cầu được vận động bằng xe đạp của người dân Thủ đô bỗng tăng đột biến. Nhiều cửa hàng bán lẻ đã đạt mức doanh thu kỷ lục.

Nhu cầu mua xe đạp tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19.
Nhu cầu mua xe đạp tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19.

1/ Trên con phố xe đạp Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), nơi tập trung nhiều cửa hàng, việc mua bán diễn ra tấp nập. Thậm chí, đôi lúc chủ các cửa hàng phải hẹn khách giờ quay lại vì sợ tập trung quá đông người sẽ bị phạt. Chị Thanh Thủy, chủ một cửa hàng cho biết: “Từ tháng 10 năm ngoái, lượng khách mua đã bắt đầu đông, nhưng đến tháng 4 năm nay thì tăng kỷ lục. Tình trạng “cháy hàng” thường xuyên diễn ra do số lượng xe không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”.

Chị Thủy cho biết, để phòng tránh dịch Covid-19, các phòng tập buộc phải đóng cửa, vì vậy người dân đành chọn việc đạp xe để tập thể dục, duy trì sức khỏe. Bên cạnh đó, các con đường trong những ngày này cũng vắng vẻ nên thay vì sử dụng các phương tiện công cộng, nhiều người đã chọn xe đạp là phương tiện di chuyển hằng ngày. Chị Thủy cho biết, bán hàng ở đây đã hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ trong một ngày chị bán được gần 80 chiếc xe đạp, với doanh thu xấp xỉ 400 triệu đồng. 

Theo chị Vương Thu Thảo (quận Tây Hồ), hằng ngày chị hay đi làm bằng xe công nghệ như Grab hoặc xe bus vì chỗ làm cách nhà 4,5 km. Kể từ khi dịch bùng phát, chị đã mua một chiếc xe đạp thay cho các loại xe dịch vụ để vừa tiện đi lại, vừa tranh thủ tập luyện mà lại không phải tiếp xúc nhiều người. 

Cũng như chị Thảo, anh Phạm Đức Phong (quận Ba Đình) cũng đã bỏ hơn 10 triệu đồng để sắm cho mình một chiếc xe đạp loại tốt để đi làm và tập thể dục mỗi chiều. Địa điểm ưa thích của anh cũng như nhiều người là đạp quanh Hồ Tây vào sáng sớm hay chiều tối. “Công việc của tôi chủ yếu trong văn phòng là ngồi. Trước làm xong mấy anh em toàn rủ nhau đi ăn, uống. Từ khi thành phố yêu cầu các hàng quán chỉ được bán mang về, không tụ tập đông người nên tôi sắm chiếc xe đạp, sáng đạp đi làm, chiều từ chỗ làm đạp vòng hồ rồi về nhà. Hồi đầu chưa quen còn mệt, sau quen dần, thấy cũng tốt mà khỏe ra. Mấy anh em bạn nhậu bây giờ toàn rủ nhau đạp xe hết”, anh Phong cho biết.

Có thể thấy, dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen của nhiều người. Phòng tập đóng cửa, việc đi lại bằng phương tiện công cộng như xe bus không còn được ưa chuộng trong khi nhu cầu về các hoạt động ngoài trời vẫn cao, vì vậy dễ hiểu khi nhu cầu sử dụng xe đạp tăng đột biến.

2/ Theo khảo sát, hiện nay, các dòng xe đạp phổ thông có mức giá khoảng 5 triệu đồng trở lại được ưa chuộng nhất. Đây là những mẫu xe có chất lượng tương đối, ít hỏng vặt. Tuy nhiên, những mẫu xe chất lượng cao, kiểu dáng đẹp với tầm giá hơn 10 triệu đồng vẫn rất hút khách. Chị Thủy cho biết, với dòng xe cao cấp, nhiều khách vẫn sẵn sàng bỏ từ 30 - 50 triệu đồng để mua, phục vụ mục đích rèn luyện sức khỏe. 

Bà Triệu là con phố chuyên bán xe đạp dành cho những người muốn tập luyện, nhưng nếu muốn thuê xe để đạp vãn cảnh Hồ Tây, bạn hãy tìm đến con phố có tên Trích Sài (quận Tây Hồ). Trước nhu cầu đạp xe, vãn cảnh tăng cao của giới trẻ, gần đây một số dịch vụ cho thuê xe đạp bắt đầu nở rộ. Theo ghi nhận, trên con phố này hiện có một số cửa hàng cho thuê xe đạp được xem là chuyên nghiệp, còn lại là các điểm cho thuê tự phát với một dãy xe xếp hàng treo biển “Cho thuê xe đạp”. Anh Nguyễn Anh Hải, chủ một cửa hàng cho thuê xe đạp cho biết, vào chiều muộn cửa hàng rất đông khách trẻ đến thuê. Giá thuê xe dao động ở mức 40.000 đồng/3 giờ cho ngày thường và 50.000 đồng/3 giờ cho ngày cuối tuần, ngày lễ.

Theo các chuyên gia y tế, đạp xe là môn thể thao đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp tất cả lứa tuổi. Đặc biệt, môn thể thao này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng béo phì, tăng sức mạnh của khối cơ chi dưới và cánh tay, giảm triệu chứng yếu liệt các chi, giảm căng thẳng, mệt mỏi, stress, cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp… Bên cạnh đó, xe đạp còn là một trong những phương tiện thân thiện môi trường, hạn chế tắc đường. 

Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, những biện pháp phòng, chống dịch vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, người dân khi đạp xe cần có những lưu ý như đạp riêng lẻ, hạn chế đạp theo nhóm, đến những nơi thoáng mát, ít người đi lại. Cùng với đó phải tuân thủ nghiêm ngặt thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế để giữ an toàn cho chính mình và người chung quanh.