Còn bất cập trong phát triển nhà ở xã hội

Trong bối cảnh giá nhà ở đang vượt quá xa thu nhập của người dân và tiếp tục tăng lên, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vừa giúp bình ổn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc đầu tư hiện đang gặp một số khó khăn đòi hỏi phải sớm được tháo gỡ.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội.

1/Những năm qua, giải quyết nhà ở cho người dân là một trong những vấn đề quan trọng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở như các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay với lãi suất thấp...

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận, việc đầu tư nhà ở xã hội còn đang gặp những khó khăn không nhỏ. Nhất là tình trạng thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, ba khó khăn lớn nhất đối với việc đầu tư nhà ở xã hội là quỹ đất, nguồn tài chính và bất cập trong các quy định hiện hành. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất tại dự án cho nhà ở xã hội hoặc nộp tiền với giá trị tương đương. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong số hơn 2.200 dự án nhà ở thương mại trên cả nước thực hiện quy định này, ảnh hưởng lớn đến việc tạo quỹ đất phục vụ các chính sách về nhà ở. Mặt khác, dù đã có quy định cho vay ưu đãi với người mua và doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhưng vì chưa được cấp bù lãi suất nên các ngân hàng được giao nhiệm vụ này chưa thể triển khai. 

Qua khảo sát, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân là rất lớn. Thực tế cho thấy, việc đầu tư nhà ở xã hội chỉ có thể được thực hiện có hiệu quả khi những khó khăn được tháo gỡ kịp thời. 

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó quy định cụ thể, chi tiết hơn về quy mô dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là những điều chỉnh trong lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật đầu tư và pháp luật đấu thầu; những sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; trình tự, thủ tục đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xét duyệt đối tượng... Nghị định 49/2021/NĐ-CP đã góp phần bảo đảm dễ dàng, rút ngắn thủ tục hành chính trong đầu tư nhà ở xã hội.

2/Để tiếp tục “gỡ khó” và tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 53 Luật Nhà ở 2014, theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ; hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình; doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ.

Đồng thời, nên xem xét xây dựng bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà ở giá phù hợp thu nhập với mức ưu đãi bằng khoảng phân nửa chính sách hỗ trợ, ưu đãi đang áp dụng cho nhà ở xã hội, để tạo điều kiện đẩy mạnh việc phát triển nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp đô thị.

Đối với những khó khăn trong quy định cho vay ưu đãi với người mua và doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nên xem xét thực hiện cho vay ưu đãi với lãi suất khoảng 7,5%/năm trong khoảng 5 năm (hoặc 10 năm) cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở giá phù hợp với thu nhập; xem xét hỗ trợ vốn ưu đãi cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội gắn với những điều kiện ràng buộc cụ thể. 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật, cần có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của chính quyền địa phương theo phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” để kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh để các dự án nhà ở xã hội bảo đảm về tiến độ, chất lượng.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, cả nước đã khởi công hơn 1.100 dự án nhà ở xã hội, trong đó, đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, quy mô khoảng 147.000 căn hộ (khoảng 7,35 triệu m2 sàn); đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ (khoảng 18,58 triệu m2 sàn). Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công 7 dự án nhà ở với tổng số 23.965 căn hộ, trong đó có 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 20.765 căn, góp phần giảm áp lực cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại nhiều địa phương.