Chợ Tết mong khách

Bước vào tháng cuối cùng của năm, bên cạnh các siêu thị lớn, các chợ truyền thống cũng bắt đầu rộn rã người mua, người bán với đa dạng các mặt hàng Tết như mứt, bánh kẹo, hoa quả, măng khô, đồ thờ, hoa Tết… Tuy nhiên, hai năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, thị trường chợ Tết bớt nhộn nhịp hơn.

Đến thời điểm này, lượng người mua tại các siêu thị, chợ vẫn khá èo uột.
Đến thời điểm này, lượng người mua tại các siêu thị, chợ vẫn khá èo uột.

1/ Chỉ còn vài tuần nữa là tới Tết Nguyên đán 2022, nhưng tại Hà Nội, không khí buôn bán ở các khu chợ như Đồng Xuân, chợ Xanh, chợ Mơ… đang rơi vào tình cảnh đìu hiu. Chị Đào, tiểu thương chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, mọi năm tầm giờ này là chợ đông đúc nhộn nhịp lắm, hàng nhập về ngày nào lên đơn cho khách sỉ, lẻ gần như là hết ngày đó. Năm nay hàng hóa ít, khách hàng cũng ít, số lượng hàng nhập chỉ bằng 1/3 năm so những năm trước. Trong khi hàng Tết có mẫu mã bao bì dán nhãn “Chào Xuân 2022”, “Chúc mừng năm mới Xuân Nhâm Dần”… dành phục vụ Tết nên không để lâu được, nhập về nhiều mà không tiêu thụ hết thì lỗ vốn, chị nói.

Tương tự, tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) gần 4 giờ chiều, nhưng khách lưa thưa vài lượt. Chị Nhung, một tiểu thương tại chợ cho biết, mọi năm mỗi ngày chị bán hơn 1 tạ thịt lợn, năm nay chỉ bán được 40-50 kg, lượng hàng giảm mà người bán cũng giảm rất nhiều. Cứ thời gian này những năm trước, chồng chị bắt đầu tìm mua các đàn lợn ngon, chuẩn bị hàng cho dịp Tết, nhưng năm nay chị mới nhận được chục đơn giò, chả, bánh chưng do người quen nhờ chứ khách lẻ khá ít. 

Gia đình có xưởng gia công đồ mỹ nghệ ở Thường Tín (Hà Nội), bà Lê Thị Hường cho biết, phần lớn các mặt hàng chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Dịp cuối năm âm lịch giao thương rất nhộn nhịp, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, bên Trung Quốc tắc biên, khách sỉ không có, làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Nguyên liệu đã nhập về mà hàng hóa không bán được khiến bà rất lo lắng. Để tìm kiếm đầu ra, bà Hường cũng tập tành đăng bài bán hàng trên mạng nhưng do không am hiểu nhiều về công nghệ nên việc tiếp cận khách hàng khó khăn. 

Không thể phủ nhận, hai năm nay, không khí đón Tết có phần kém rộn ràng hơn những năm trước bởi ảnh hưởng dịch bệnh. Tại không ít khu vực, một số tiểu thương chỉ mở cửa hàng cho có. Phần vì lượng khách ít, với lại dịch bệnh cứ diễn biến bất thường, vài hôm lại đóng cửa, phong tỏa nên tiểu thương cũng phấp phỏng không dám nhập hàng. Ngoài ra, nhiều người lo ngại lây lan dịch bệnh nên cũng hạn chế đi chợ truyền thống mà chuyển sang mua hàng online, chưa kể một số lượng lớn người trở về quê sinh sống khiến khách mua cũng suy giảm.

2/ Bước vào vụ hoa Tết, người trồng hoa tại các làng hoa nổi tiếng như Mê Linh, Tây Tựu năm nay không còn chạy theo số lượng, năng suất như các năm trước, mà tập trung vào hiệu quả, nắm bắt thị trường để canh tác loại hoa, cây cảnh phù hợp xu thế người tiêu dùng. “Với diện tích hiện tại, thay vì trồng những giống hoa như thông lệ hằng năm, tôi chuyển sang các loại ngắn ngày. Nhưng năm nay ảnh hưởng dịch, thương lái thu mua cầm chừng nên hoa xuất đi chậm lắm. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, thương lái từ nhiều nơi đến thu mua trở lại, nông dân mới thu hồi được vốn”, ông Dũng (xã Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cho biết.

Năm nay, nhiều chủ vườn hoa tại Tây Tựu ngoài trồng cúc vạn thọ, cúc đồng tiền, hoa hồng, hoa ly, tulips… còn nhập thêm các loại hoa như dạ yến thảo, lan chi, trạng nguyên, cùng một số cây cảnh tạo hình (bưởi, dưa hấu), nho thân gỗ, táo cảnh… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới chất lượng hơn số lượng. Theo các hộ trồng hoa, đến thời điểm này, thời tiết thuận lợi, hoa phát triển khá tốt nhưng giá vật tư, nhân công đều tăng từ 15-20%, nhiều loại phân bón giá tăng đến 30%. Vì vậy, giá hoa phải tăng hơn so mọi năm thì người trồng hoa mới có lãi. 

Thay đổi để phù hợp thị trường hoa ngày càng khắt khe, không ít chủ vườn hoa đã chủ động thích ứng bằng cách trồng giảm số lượng hoa, cây cảnh để xen vào trồng nhiều giống mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời vận dụng công nghệ thông tin thông qua các ứng dụng xã hội như Zalo, Facebook… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm với những thương lái gần xa. Thế nhưng, dù đã chuẩn bị mọi thứ để bán ra thị trường nhưng nhiều nông dân vẫn lo ngại sự biến động của cung-cầu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Thủ đô chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Dẫu vậy, dịp Tết là vụ hoa lớn nhất trong năm nên người trồng hoa vẫn cố gắng duy trì vì đã gắn bó đã qua nhiều đời.