Chỉnh trang đồi Vọng Cảnh

Nằm ở thượng nguồn sông Hương, nép mình dưới rặng thông xanh, thông tin đồi Vọng Cảnh sẽ được chỉnh trang, cải tạo trở thành điểm nhấn để phát triển du lịch khiến nhiều người vui mừng, bởi nơi đây không chỉ là thắng cảnh đã đi vào thi, ca, nhạc, họa mà còn là một điểm dừng chân, không gian được xem là “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị Huế.

Đồi Vọng Cảnh là một trong những vị trí đẹp nhất để nhìn ngắm sông Hương.
Đồi Vọng Cảnh là một trong những vị trí đẹp nhất để nhìn ngắm sông Hương.

Thắng cảnh độc đáo

Ngọn đồi nằm ở phía tây nam thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế trở nên nổi tiếng bởi không chỉ là bối cảnh của bộ phim điện ảnh ăn khách “Mắt biếc”, mà nhiều năm trước từng có cuộc tranh luận có nên xây khách sạn quốc tế ở đây? Đã có không ít ý kiến bảo vệ quan điểm không xây dựng vì trái quy hoạch bảo tồn di sản, xâm hại cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Sau nhiều tranh luận cũng như lấy ý kiến các chuyên gia, cuối cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định dừng dự án.

Từ TP Huế, theo hướng lên lăng vua Tự Đức có một con đường gần đó dẫn lên ngọn đồi với trùng trùng điệp điệp cây thông xanh mát, đó là đồi Vọng Cảnh. Không riêng người Huế, nhiều du khách nghe tiếng đều muốn một lần được ghé qua bởi đây không chỉ là một thắng cảnh tuyệt đẹp như tên gọi, mà còn được xem như “mắt Huế” để ngắm nhìn sông Hương về cả hai phía hạ lưu và ngược lên thượng nguồn. Tuy nhiên, trải qua thời gian, dù đón rất nhiều đoàn khách nhưng ngọn đồi này vẫn không được chỉnh trang. Mọi thứ vẫn còn hoang sơ, lối dẫn lên đá nhấp nhô, nguy hiểm… khiến khung cảnh càng trở nên nhếch nhác.

Anh Nguyễn Thành Minh, một người thường xuyên đạp xe lên ngắm sông Hương vào sáng sớm cho biết, Huế có nhiều địa điểm để ngắm sông Hương, nhưng đồi Vọng Cảnh là vị trí lý tưởng nhất để ngắm và hít thở bầu không khí trong lành, hòa mình vào cảnh sông núi hữu tình. Anh Minh tỏ ra tiếc nuối khi đồi và khu vực chung quanh vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tạo nên sự hấp dẫn với mọi người. “Không cần nhiều, chỉ cần chỉnh trang lại một ít sao cho hài hòa với không gian nơi đây thì đồi Vọng Cảnh sẽ trở nên sang trọng, giá trị hơn”, anh Minh chia sẻ.

Cũng như anh Minh, rất đông người dân Huế lẫn du khách thường tìm đến đồi Vọng Cảnh vào những ngày cuối tuần, đêm rằm hay lễ, Tết. Người thì ngắm cảnh, người đi bộ, người đọc sách, người cắm trại… Ấn tượng trong họ là cảnh quan nơi đây rất đẹp, tuy nhiên cơ sở hạ tầng cần phải đầu tư sao cho tương xứng.

Trước những ý kiến đưa ra nhằm chỉnh trang đồi Vọng Cảnh để phục vụ du lịch cộng đồng nhưng không phá vỡ cảnh quan của ngọn đồi này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc khảo sát để lên kế hoạch. Thực tế cho thấy, dù là điểm đến có cảnh quan đẹp nhưng thời gian qua, khu vực này chưa được khai thác hiệu quả.

Chỉnh trang dựa trên nền tảng bảo tồn

TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho biết, sông Hương có hai khúc quanh đặc biệt, là hai nếp gấp thiêng liêng trong đời sống người dân Huế cả về nghệ thuật cảnh quan truyền thống lẫn tư tưởng là Hà Khê - Long Thọ (chùa Thiên Mụ, đồi Long Thọ) và Hòn Chén - Vọng Cảnh. Sông Hương phân định hai chốn thiêng ở bờ bắc và những đồi thông quanh năm vi vút ở bờ nam làm nên dáng vẻ, sắc thái riêng cho cảnh quan, dấu ấn văn hóa của Long Thọ, Vọng Cảnh. Chính vì thế mà người Pháp trân trọng gọi Vọng Cảnh là Belvédère (chòi, vọng lâu). Do vậy, cần được bảo tồn theo hướng giữ nguyên hệ sinh thái độc đáo từ cỏ cây, đất đá và nhất là chức năng vọng cảnh. Đồng thời, cần có những hoạt động văn hóa nghệ thuật phù hợp để đây không chỉ là điểm ngắm cảnh mà thật sự là một không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo của vùng đất Cố đô.

Hiện nay, dự án cải tạo, chỉnh trang đồi Vọng Cảnh đã được tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua với kinh phí khoảng 13 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào việc lát đá tuyến đường dẫn lên đồi, trồng thêm các loài hoa, cây thông và làm đường bộ hành dưới chân đồi, mép bờ sông Hương. Bên cạnh đó, sẽ có một bến thuyền để phục vụ du khách lên đồi Vọng Cảnh từ đường thủy. Nơi đây sẽ không tổ chức phân luồng giao thông đối với xe máy, ô-tô. Thay vào đó, sẽ bố trí trạm xe đạp thông minh để triển khai đồng bộ với các dự án trạm xe đạp thông minh khác trên địa bàn, phục vụ nhu cầu du lịch bằng xe đạp. Với dự án chỉnh trang này, nhiều người vui mừng và hy vọng đồi Vọng Cảnh sẽ trở nên một điểm đến hấp dẫn dành cho cộng đồng và du khách.

Đồi Vọng Cảnh cao 43 m, phía chân đồi tiếp giáp sông Hương, nằm giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Cách đồi Vọng Cảnh không xa là lăng vua Đồng Khánh, Tự Đức, Thiệu Trị, lăng Hoàng hậu Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (vợ vua Thiệu Trị), lăng Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long)... Đứng ở đây dễ có được cái nhìn bao quát với nhiều di tích cổ kính và cảnh đẹp ở một không gian thiên nhiên rộng lớn, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Hương.