Chậm di dời nhà máy ô nhiễm

Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Nhưng 10 năm qua, tiến độ di dời những nơi này không nhiều tiến triển.

Việc di dời các cơ sở nhà máy cũ ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều bất cập.
Việc di dời các cơ sở nhà máy cũ ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều bất cập.

Triển khai ì ạch

Nghị quyết 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 nêu rõ: đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố. Đối với cơ sở gây ô nhiễm, năm 2016, báo cáo tác động môi trường của Luật Thủ đô đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay mới chỉ di dời được 67 cơ sở sản xuất.

Hiện nay, trong khu vực trung tâm vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Nhà máy Bia Hà Nội… Ngoài ra, còn một số cơ sở đã dừng sản xuất, nhưng vẫn chưa tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí tài nguyên và làm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung Thủ đô. Người dân sống chung quanh khu vực những nhà máy này cho biết, nhiều năm qua đã chịu đựng sự ô nhiễm không khí, nước thải chưa qua xử lý từ các nhà máy này thải ra nhưng đành chịu, dù rất nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng cần phải xử lý tình trạng này để bảo đảm đời sống người dân. 

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, diện mạo thành phố đã có nhiều đổi khác, ngày càng khang trang và hiện đại hơn. Nhưng điều này cũng đặt ra yêu cầu về giảm mật độ dân số, phương tiện giao thông để hạn chế ùn tắc, đặc biệt là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất căng thẳng. Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, chung quanh Hà Nội đều phát triển công nghiệp, trong đó nhiều cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm trầm trọng nhưng vẫn quyết bám trụ, không chịu đi nơi khác. Điều đó cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường của hoạt động sản xuất đối với các cơ sở này chưa được quan tâm.

Theo Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân của việc các bộ, ngành chậm trễ di dời trụ sở là do nhu cầu vốn ngân sách để xây dựng trụ sở mới rất lớn nhưng chưa được bố trí đầy đủ, chưa có phương án huy động nguồn lực xã hội để xây dựng. Bên cạnh đó, các quy hoạch ngành cũng còn nhiều bất cập nên việc xây dựng tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời các cơ sở gây ô nhiễm cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao cho nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố. 

Giải pháp nào căn cơ?

Trong những năm qua, việc chậm di dời, giao lại đất cho Hà Nội quản lý, sử dụng một phần là do đang vướng ở Luật Đất đai. Chưa kể, nhiều đơn vị mặc dù đã được bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ vì còn trong thời hạn giao đất. Chưa kể, có trường hợp sau khi chuyển đến cơ sở mới, một thời gian sau thì đơn vị đó lại xin được quay về cơ sở cũ do cơ sở mới có nhiều bất cập. Vì vậy, Nghị quyết 11 tuy đúng về nguyên tắc nhưng để làm được điều này cũng cần có thời gian. Ở một số quốc gia trên thế giới, việc đi làm từ thành phố này sang thành phố khác cách nhau vài trăm km là điều bình thường, nhưng ở Việt Nam hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được.

Từ nay đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu đạt chuẩn “xanh” trong khu vực nội đô và điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất sạch, trong đó có đất của các nhà máy, xí nghiệp sau khi di dời. Thực trạng chậm di dời nhà máy ô nhiễm đang cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng và cần một cơ chế đặc thù về ưu đãi, hỗ trợ nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp liên kết, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, thông thoáng, kết nối giữa trung tâm Thủ đô với các vùng được quy hoạch bố trí di dời.

Phó Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho rằng, việc di dời cơ sở sản xuất, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính ra khỏi khu vực nội đô sẽ tạo ra quỹ đất đủ lớn để xây dựng công trình công cộng như công viên, khu bảo tàng, triển lãm nghệ thuật, đồng thời đưa một lượng lớn dân cư ra khỏi khu vực trung tâm. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đơn giản, vì thế ngoài trách nhiệm của Hà Nội, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành với quyết tâm cao thì mới đạt kết quả.

Với sự ì ạch trong việc chuyển giao, thu hồi đất hiện nay, để thực hiện được, thành phố cần có biện pháp mạnh, thống nhất, buộc các cơ sở tự giác trả lại đất.