Cần sớm thu hồi xe cơ giới cũ, nát

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã lên lộ trình xử lý xe máy cũ, nát, thu hồi xe quá niên hạn sử dụng để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay việc xử lý, thu hồi dạng xe này vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý, cũng như thiếu quy định cụ thể nên việc triển khai trong thực tế gặp khó khăn.

Nhiều xe máy cũ nát vẫn di chuyển trên đường.
Nhiều xe máy cũ nát vẫn di chuyển trên đường.

Chưa thể xử lý

Tại Hà Nội, những chiếc xe máy cũ nát không biển số, không đầy đủ phụ tùng, bộ khung ọp ẹp… vẫn ngang nhiên di chuyển trên đường không phải chuyện hiếm. Với “tuổi thọ” lên đến vài chục năm, nhiều chiếc xe đã rệu rã, không đèn, không gương chiếu hậu và thường được “độ” thêm một vài khung thép để gia cố. Điều đáng nói là có những người chở hàng cồng kềnh dài vài mét bằng loại xe này nhưng không có biện pháp bảo đảm an toàn nào. Mới đây, vụ va chạm giữa xe bus với xe máy chở vật liệu sắt thép trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân là một thí dụ điển hình. Rất may là vụ va chạm không có thiệt hại quá lớn nhưng một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn giao thông do các loại phương tiện này gây nên. 

Không chỉ nguy hiểm, những chiếc xe “đồng nát” xuống cấp này khi tham gia lưu thông còn phát tán lượng lớn khí thải làm tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các tuyến phố trong khu vực nội thành. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có gần 60 triệu mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành, chiếm 95% số lượng xe cơ giới. Trong đó, các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lượng xe máy chiếm 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao. Thế nên, dù chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính diesel) nhưng xe gắn máy lại thải ra khoảng 94% HC; 87% CO; 50% NOx và 33% PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diesel. Và tất nhiên, với xe cũ nát thì mức xả thải nguy hại còn cao hơn con số trên gấp nhiều lần. 

Lâu nay, việc xe cũ nát vẫn xuất hiện trên đường phố là bởi nguồn thu nhập chính của một bộ phận người nghèo còn phụ thuộc vào chiếc xe máy. Thế nên dù biết là nguy hiểm, thiếu an toàn nhưng họ vẫn bất chấp để mưu sinh. Góp phần giải quyết vấn đề này, tháng 11/2021, TP Hà Nội kết hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức đo khí thải xe máy và hỗ trợ chủ xe máy cũ được đổi xe mới bằng hình thức trợ giá từ 1-4 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, không có nhiều chủ xe máy tới đo khí thải cũng như nhận chuyển đổi. Trước đó, TP Hồ Chí Minh thí điểm đo khí thải đối với xe máy kèm theo chính sách hỗ trợ sửa chữa, tặng dầu nhớt… song cũng vắng chủ xe đưa phương tiện tới. Nguyên nhân được nhiều người đưa ra là hiện giá thành mua xe mới còn khá cao, khoảng 20-25 triệu đồng/xe. Với khoản hỗ trợ như trên, họ vẫn phải bỏ ra số tiền khá lớn để sở hữu được chiếc xe mới, vì vậy, họ không mặn mà với chương trình này.

Cần quyết liệt hơn nữa

Trong những năm qua, TP Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch, tính toán và đưa ra lộ trình triển khai cho từng giai đoạn đối với xe máy “hết đát”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất cập trong việc xử lý, thu hồi các phương tiện không bảo đảm an toàn giao thông, đó là do chưa có quy định xe máy phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên phần lớn chủ phương tiện không chú trọng, quan tâm việc bảo dưỡng định kỳ. 

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, xử lý xe cũ nát, xe quá niên hạn sử dụng gây phát thải là việc làm cần thiết để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện cần phải có lộ trình cụ thể cũng như các biện pháp xử lý cần được đồng bộ, toàn diện chứ không nên làm kiểu nửa vời, nhất là khi hệ thống giao thông công cộng ở nước ta còn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa… Ngoài ra, xe máy vẫn là công cụ kiếm sống chủ yếu của không ít người lao động nghèo nên việc thu hồi xe cũ nát cũng cần tính toán đến những tác động xã hội khác, nếu không rất dễ gây hiệu ứng ngược. 

Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí khu vực đô thị, nhiều chuyên gia giao thông, môi trường cho rằng, trước mắt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không gây phát thải khí độc hại ra môi trường. Bên cạnh việc sớm có quy định về niên hạn, xác định các phương tiện xe máy cũ, nát thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp ưu tiên, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân; đẩy mạnh tuyên truyền người dân chuyển sang dùng các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như xe điện, xe khí đốt hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng… để thay thế các nguyên liệu truyền thống. Từ đó, dần dần tính toán phương án thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. 

Một trong những nguyên nhân khiến xe “quá đát” khó thu hồi là hiện nay vẫn chưa có định nghĩa thế nào là xe cũ, nát. Bởi tiêu chí đánh giá các quy chuẩn hiện hành về xe mô-tô vẫn chưa rõ ràng như kiểm định đối với ô-tô. Bên cạnh đó, do xe máy là tài sản cá nhân và không có quy định về niên hạn sử dụng nên nếu muốn thu hồi loại phương tiện này, cơ quan chức năng cần phải xây dựng hành lang pháp lý cụ thể để làm cơ sở.