Cần quy định cụ thể về cho thuê căn hộ

Việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày không bị pháp luật nghiêm cấm… Tuy nhiên, điều này dễ nảy sinh những bất cập trong quá trình cho thuê và làm thất thoát một khoản thuế của Nhà nước.

Pháp luật không cấm, nhưng hình thức cho thuê homestay dễ dẫn đến những “lổ hổng” nếu sử dụng vào mục đích
Pháp luật không cấm, nhưng hình thức cho thuê homestay dễ dẫn đến những “lổ hổng” nếu sử dụng vào mục đích

1/ Mới đây, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh chuyển đến với nội dung: “Xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể, do hiện nay việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao…”. 

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, tại Điều 35, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư như: tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Nhà ở…

Các chuyên gia cho rằng, Điều 10, Luật Nhà ở 2014 quy định: Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm. Điều 6, Luật Nhà ở 2014 chỉ nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Vì thế, việc cho thuê nhà theo giờ, theo ngày nhưng với mục đích để ở thì theo quy định là không sai.

Thực tế những năm gần đây, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác trong nước đang phát triển mạnh loại hình kinh doanh homestay chung cư. So chất lượng của các khách sạn 3 sao, hay 4 sao, homestay chung cư không hề kém cạnh khi tọa lạc ở các khu vực có hạ tầng giao thông đồng bộ, dịch vụ xã hội hoàn thiện. Phòng ở cũng được thiết kế đầy đủ tiện nghi, nội thất sang trọng, thiết bị bếp, nhà tắm đầy đủ, giá thành cũng mềm mại. 

Thậm chí, homestay chung cư còn có phần nổi trội với nhiều tiện ích thoải mái hơn mà khách sạn không có. Thí dụ như người thuê được tự do nấu ăn, có không gian rộng rãi, hưởng các dịch vụ của tòa nhà như siêu thị, trung tâm thương mại, sử dụng hồ bơi, mini bar… Đặc biệt, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà, thanh toán tiền đều qua internet, không cần phải gặp trực tiếp. Ngoài ra, phương thức chia sẻ phòng thuê này còn giúp chủ nhà khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong khu vực có nhiều khách du lịch. Chính vì vậy, mô hình này ngày càng phát triển, đặc biệt là trong thời buổi công nghệ số.

2/ Hình thức cho thuê căn hộ chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb, Luxstay, Booking, Traveloka… (những mô hình kết nối người cần thuê với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động) là phương thức được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam. Với giá dao động khoảng từ một - ba triệu đồng/đêm cho căn hộ tầm trung, hình thức này được đặc biệt chào đón ở các thành phố du lịch và là lựa chọn lý tưởng cho nhiều đối tượng từ gia đình đến bạn bè lựa chọn khi đi nghỉ dưỡng. Nắm bắt xu thế này, nhiều chủ nhà liên kết với các đơn vị lữ hành để cho đoàn khách du lịch thuê căn hộ theo dạng homestay. Từ đó, họ có được nguồn thu nhập ổn định và nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư.

Hiện nay, Nhà nước khuyến khích và không cấm đầu tư, kinh doanh cơ sở lưu trú theo loại hình căn hộ kinh doanh du lịch hoặc nghỉ dưỡng. Tuy nhiên chưa có đầy đủ khung pháp lý để quản lý các căn hộ kinh doanh lưu trú loại hình homestay. Hơn nữa, việc cấp giấy phép kinh doanh loại hình này từ phía cơ quan quản lý đang thiếu chặt chẽ, cũng như công tác kiểm tra, kiểm soát chưa thường xuyên, thiếu các chế tài xử lý vi phạm… dẫn đến hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê để hoạt động tội phạm.

Về vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị xây dựng khung pháp luật để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn sử dụng dịch vụ Airbnb. Từ đó sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. HoREA cũng đưa ra một số giải pháp để quản lý loại hình này tốt hơn như người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật; có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư…