Thời của trà sữa

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2002, trà sữa, thứ đồ uống pha chế từ trà, bột sữa cộng thêm hương vị trái cây kèm trân châu, thạch trở thành loại nước giải khát được ưa chuộng của giới trẻ. Sau một thời gian bị “bỏ rơi” rồi lại nhanh chóng phát triển trở lại, nhiều người lo ngại liệu trà sữa có thoái trào như những món ăn nhanh từng gây sốt như mì cay các cấp độ, kem khói hay chè khúc bạch?

Thời của trà sữa

Trà sữa phát triển mạnh nhưng nhanh chóng bị người tiêu dùng quay lưng vào cuối năm 2009 vì tin đồn về nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến không bảo đảm an toàn. Năm 2013 là cột mốc đánh dấu sự trở lại của thức uống này với hình thức kinh doanh nhượng quyền của các thương hiệu đến từ Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc). Cũng bắt đầu từ đây, từ một đồ uống bình dân, trà sữa dần được “sang chảnh hóa” với bao bì, thiết kế quán đẹp mắt, vị trà phong phú, các thành phần uống kèm đa dạng, pha chế khéo léo hơn.

Hai năm trở lại đây, thị trường trà sữa tại Hà Nội phát triển mạnh khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bắt đầu từ Ding Tea, giờ đây tại Hà Nội, gần như các tuyến phố lớn đều có ít nhất vài quán trà sữa. Hỏi bất kỳ một bạn trẻ nào cũng có thể kể ra các thương hiệu trà sữa khác nhau như Chatime, Gong Cha, Royaltea, Heekcca, CoCo, Bobapop, Chago, Goky… Thống kê cho biết hiện trên thị trường Việt Nam có hơn 100 thương hiệu trà sữa lớn nhỏ cùng tồn tại, với khoảng hơn 1.500 điểm bán với mức giá dao động từ 40-60 nghìn đồng/ly. Số liệu khảo sát của Q&Me (Công ty Dịch vụ nghiên cứu thị trường) về nhu cầu trà sữa ở Việt Nam cho kết quả 73% số người được hỏi đều nhận biết trà sữa. Một cuộc khảo sát thực hiện bởi trang web ẩm thực Lozi cho thấy 53% số người được hỏi uống trà sữa ít nhất một lần/tuần. Hầu hết người trả lời đều đưa ra cảm nhận chung là ngon, thư giãn và là sản phẩm thích hợp giới trẻ.

“Trà sữa là một dạng sản phẩm tạo niềm vui bởi tính chất đồ uống và đồ ăn, vừa có nước lại có cái nhai giòn giòn, vui miệng, khiến giới trẻ ưa thích. Nếu như trước, trà sữa là thứ đồ uống được giới trẻ, học sinh, sinh viên ưa chuộng, thì nay, đối tượng khách hàng đã mở rộng, đa dạng hơn. Những người làm việc tại văn phòng cũng là đối tượng chính được các thương hiệu trà sữa quan tâm”, CEO của Lozi Nguyễn Hoàng Trung cho biết.

Giới đầu tư cho rằng, mở trà sữa ở Việt Nam hiện nay giống với trào lưu mở quán cà-phê hay hàng ăn vặt ngày xưa và hình thức kinh doanh này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với tâm lý ưa thích sự độc, mới, lạ của người tiêu dùng, khi trào lưu món này tạm lắng sẽ có những món ăn mới nhanh chóng lên ngôi. Nếu không nắm bắt kịp tâm lý của khách hàng, nhiều chủ cửa hàng “ăn theo” sẽ vấp phải khó khăn trong việc duy trì. Tuy nhiên, dưới con mắt của nhà đầu tư, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, cho rằng các sản phẩm trà sữa vẫn còn chỗ cho sự phát triển tại thị trường trong nước bởi ngành F&B (thực phẩm và ăn uống) của Việt Nam được dự báo có khả năng tăng trưởng đến năm 2020. Hơn nữa, trong các báo cáo gần đây của Nielsen Việt Nam, loại đồ uống này đã trở thành điểm sáng rõ rệt trong thị trường FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) trong các quý, đóng góp gần 40% tổng doanh thu của FMCG. “Một lý do nữa là thế hệ trẻ nước ta (từ 15 - 34 tuổi) đang chiếm hơn 36% dân số nên đây là nơi mà thị trường trà sữa vẫn có tiềm năng”, bà Vân nhận xét.