Lưu ý với các sản phẩm hỗ trợ điều trị

Lợi dụng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của người dân tăng cao, một số tổ chức, cá nhân đã tự công bố, quảng cáo các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, phòng, chống được bệnh viêm đường hô hấp... nhằm thu lời bất chính. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) đã có công văn đề nghị phạt, ngăn lưu hành các sản phẩm này.

Cần thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng. Ảnh: NAM ANH
Cần thận trọng khi mua và sử dụng thực phẩm chức năng. Ảnh: NAM ANH

Cục An toàn thực phẩm đã liên tục có cảnh báo về các loại thực phẩm chức năng như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học... không có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị bệnh Covid-19. Để tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, đồng thời tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Ban quản lý An toàn thực phẩm các địa phương rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần xuyên tâm liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh Covid-19 (bao gồm các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng, chống Covid-19). Đồng thời, yêu cầu thu hồi bản tự công bố sản phẩm, thu hồi sản phẩm vi phạm, công bố công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường các hoạt động kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, kịp thời ngăn chặn sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai để người dân biết.

Cùng lúc, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cũng đã có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ các loại máy thở, thuốc, thiết bị đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) vi phạm quy định thương mại. Theo đó, hầu hết các thiết bị đo SpO2 được bán với mức giá dưới 300.000 đồng/sản phẩm đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và đánh giá rất thấp. Người tiêu dùng sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này nếu tin theo chỉ số không chính xác trên máy sẽ rất nguy hại, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các chuyên gia y tế, các thiết bị đo SpO2 chỉ cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải để phát hiện người mắc bệnh. SpO2 chỉ là một trong những chỉ số giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Vì vậy, người dân không nên nghe quảng cáo để mua sắm nhiều thiết bị không cần thiết, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã có Công văn số 874/TMĐT-QL yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Cục cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên mạng. Người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục Thương mại điện tử và kinh tế số theo địa chỉ (25 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 02422205512, email: qltmdt@moi.gov.vn).