Lo lắng thị trường kính thuốc

Theo Bộ Y tế, có hơn 73% số trẻ em Việt Nam mắc các tật khúc xạ và số tuổi mắc các bệnh về mắt ngày càng trẻ. Với thực trạng này, bên cạnh sự chủ quan của người lớn còn có một nguyên nhân không phải ai cũng nghĩ tới, đó là sử dụng kính thuốc không đúng chuẩn.

Cần kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng kinh doanh kính.
Cần kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng kinh doanh kính.

Hiện nay, nhu cầu mua một cặp kính là việc vô cùng đơn giản và dễ dàng. Ghé các con phố lớn như Trần Nhân Tông, Lê Duẩn, Giảng Võ, Lương Văn Can, Trường Chinh… sẽ thấy có rất nhiều cơ sở kinh doanh kính mắt, kính thuốc kiêm đo, khám mắt bày bán rất nhiều loại kính đủ các loại giá tiền. Cùng với đó, nắm được tâm lý ham rẻ của học sinh, sinh viên, các điểm kinh doanh kính nhỏ lẻ tại chợ Nhà Xanh, chợ đêm Đồng Xuân, chợ sinh viên… cũng không chịu “lép vế”. Tại đây những chiếc gọng kính đủ mầu, đủ chất liệu được bày bán tràn lan với giá chỉ từ 20 - 50.000/chiếc.

Không chỉ tại các điểm bán cố định, trên mạng xã hội hoặc các trang mua bán như Shopee, Lazada…, bất cứ ai đều có thể dễ dàng tìm mua từ gọng kính, kính mát, kính áp tròng… với đủ loại giá và nhãn hiệu.

Mang thắc mắc về những chiếc kính được sản xuất ở đâu mà có giá rẻ như vậy, chủ một cửa hàng kính mắt trên phố Trần Thái Tông cho chúng tôi biết, thị trường hiện nay chia làm hai loại đó là sản xuất trong nước và nhập khẩu nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Kính có nhiều loại và nhiều mức giá, nhưng chất lượng thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn cho người dùng.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, khi gặp vấn đề về khúc xạ, người dân sẽ tìm đến các bệnh viện trong lần đầu thăm khám. Những lần sau, vì tiết kiệm nên phần lớn họ sẽ tìm đến các cửa hàng kính để kiểm tra. Thế nhưng, những cửa hàng này không phải phòng khám chuyên khoa mắt. Ở những cơ sở này, có thể thấy rằng chất lượng của một số loại máy móc cơ bản nhất như máy đo võng mạc, bảng kiểm tra thị lực chưa đạt chuẩn và nhân viên chưa đủ trình độ theo yêu cầu cho nên nếu đưa ra các kết luận không chính xác sẽ rất nguy hiểm với sức khỏe.

Theo bác sĩ Đào Minh Đức, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, phần lớn sản phẩm kính rẻ tiền được sản xuất từ các nguyên liệu nhựa, mica không bảo đảm chất lượng nên không thể bảo vệ cho mắt dưới ánh nắng mặt trời và ngăn cản tia UV. Khi đeo những chiếc kính chất lượng kém, người dùng hay có cảm giác bị chói, lóa, chóng mặt, đau đầu. Thậm chí, một số ít còn bị nặng hơn nữa là bỏng võng mạc, viêm giác mạc… “Võng mạc được coi là một trong những bộ phận quan trọng nhất của mắt, vì vậy một tổn thương rất nhỏ nơi võng mạc cũng có thể gây nên những ảnh hưởng đáng kể đến thị lực, bệnh nhân có thể mất một phần hoặc mất hoàn toàn thị lực”, bác sĩ Đức khuyến cáo. Bên cạnh đó, với kính thuốc, việc đeo kính không đúng số cũng khiến thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhẹ thì nhức mỏi mắt, chóng mặt, suy giảm thị lực so trước khi đeo kính, nặng thì viêm bờ mi, lác tròng, nhược thị gây khó khăn cho việc điều trị.

Hiện nay, do chưa có quy định cũng như thiếu sự kiểm tra nghiêm ngặt từ các cơ quan chức năng dẫn đến một số cửa hàng kinh doanh kính dẫu không có chuyên môn, nghiệp vụ vẫn đang tiếp tục hành nghề. Chính vì vậy, nếu không sớm chấn chỉnh việc hoạt động tự do của “các phòng khám mắt” tự phát, nhiều hệ lụy sẽ còn tiếp tục mà đối tượng gánh chịu hậu quả, không ai khác là người tiêu dùng.