Loay hoay chuyện loa phường

Loa phường từng là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Hà Nội. Có người bảo, nhờ tiếng loa mà họ không cần đồng hồ báo thức, không bao giờ dậy muộn giờ. Nhưng ở thời điểm này, có lẽ loa phường nên lui vào dĩ vãng hoặc chuyển sang một hình thức hoạt động hợp lý hơn.

Ngày nay, hệ thống loa phường dường như không còn phù hợp.
Ngày nay, hệ thống loa phường dường như không còn phù hợp.

Đối với không ít người, đặc biệt là những người cao tuổi, chắc hẳn vẫn còn nhớ những ngày đầu được nghe truyền thanh nhờ một chiếc loa lắp ở các địa điểm công cộng. Nhờ có loa phường, người dân biết được tình hình chiến sự, các hoạt động lao động, sản xuất ở các địa phương khác trên cả nước. Đặc biệt, thời chiến tranh, loa truyền thanh phường làm rất tốt công tác báo động người dân xuống hầm trú ẩn mỗi khi có máy bay ném bom.

Hơn 60 năm đã qua, câu chuyện ngày xưa trở thành kỷ niệm khó quên với những người đã bước vào tuổi “cổ lai hy”. Mấy hôm nay, Hà Nội lại rộ lên chuyện có nên bỏ loa phường hay không, khiến câu chuyện cũ lại có dịp được đem ra bàn tán. Người thì bảo bỏ, người thì bảo không, nhưng phần lớn đều cho rằng, loa phường đã không còn phù hợp thời đại nữa. Chẳng thế mà theo một khảo sát gần đây của Hà Nội liên quan việc sử dụng loa phường được đăng tải từ Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội thì: Có tới hơn 70% người dân đồng tình với việc bỏ loa truyền thanh phường.

Cuộc khảo sát ý kiến người dân kéo dài từ ngày 10 đến 25-10 về kết quả sau một năm thực hiện Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội” (Đề án 5133). Cụ thể, trong gần 800 người tham gia khảo sát thông qua hình thức trả lời các câu hỏi, có 70,13% số người ủng hộ việc cần sắp xếp mạnh mẽ hơn, tiến tới loại bỏ loa truyền thanh phường trong quận. Có 70,32% số người trả lời cho rằng việc duy trì từ 5-10 cụm loa, tương đương 10-20 loa như hiện nay ở các quận để thông tin, tuyên truyền là nhiều.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, phương thức nghe, xem và thu nhận thông tin được người dân ưa chuộng nhất hiện nay là điện thoại thông minh, máy tính bảng… Sau đó lần lượt đến máy tính nối mạng internet, truyền hình, báo in và xếp sau cùng là cassette. Đối với việc thành phố sẽ triển khai nhân rộng thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường trong thời gian tới, có 61,25% số người đồng tình, trong khi đó số lượng người cho rằng không cần thiết chiếm 38,75%.

Một vài số liệu thống kê để thấy rằng, người dân ngày nay có nhiều lựa chọn để nắm bắt thông tin. Cùng với đó, mạng lưới truyền hình cáp cũng ngày càng phát triển khi có tới 200 kênh, nhiều gia đình đã lắp đặt internet, chưa kể mạng xã hội.

Ngoài những tính năng đã không còn thật sự hữu dụng, thì việc đầu tư cho mỗi hệ thống loa phường cũng là điều đáng quan tâm. Hệ thống dây thông tin và dây điện Hà Nội đang là nỗi xấu hổ của Thủ đô khi truyền thông nước ngoài từng có lần xếp Hà Nội đứng thứ ba thế giới về “mạng nhện” dây dẫn, mà một phần trong số đó là của hệ thống loa phường và những người không muốn bỏ loa phường sẽ có lý do biện minh cho quan điểm của mình.

Hiện, TP Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện/quận, 584 đơn vị cấp xã/phường. Giả sử đài phát thanh cấp huyện biên chế bốn người, cấp xã một người thì số lượng “công chức đài” sẽ vào khoảng 600 người. Dù là chuyên nghiệp hay bán chuyên trách thì vẫn phải trả lương, vậy ngân sách phải chi bao nhiêu tiền lương cho đội ngũ này mà thực tế hiệu quả mang lại rất thấp, nếu không nói là còn gây phiền hà người dân? Có lẽ, thành phố chỉ nên giữ lại một số lượng loa phường nhất định ở những vị trí thích hợp để báo động khi có sự cố khẩn cấp, như vậy sẽ hài hòa và hợp lý hơn.

Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua loa phường cũng không còn phù hợp. Người dân bận rộn với công việc và nếu phát vào ban ngày thì họ không ở nhà. Khi ở nhà rồi thì họ muốn nghỉ ngơi. Nhiều khi tiếng loa phường quá to, ảnh hưởng sinh hoạt, không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nói thế để thấy đến thời điểm hiện tại, có lẽ loa phường đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình.