Nâng cấp quần, áo cũ

Biến áo khoác thành chân váy, cắt quần jeans thành quần short hay thậm chí biến áo thun thành giẻ lau nhà... là khái niệm upcycling trong thời trang, được định nghĩa là một giải pháp tái chế. Bằng sự sáng tạo, các nhà tạo mẫu đã sử dụng những chi tiết, vải vóc thừa của một bộ trang phục để tạo nên những thiết kế hoàn toàn mới và xu hướng này đã nhận được sự chú ý của những người yêu thời trang.

Nâng cấp quần, áo cũ

Không chỉ là một thuật ngữ trong ngành sáng tạo, upcycling khiến nhiều người phải thay đổi cái nhìn về ngành thời trang, một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới. Chưa thể biết liệu upcycling có khả năng thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp này hay không, nhưng ở thời điểm hiện tại, ít nhất nó đã thúc đẩy sự thay đổi trong tư duy thiết kế và sản xuất của một bộ phận không nhỏ những tên tuổi thời trang trên thế giới.

Thuật ngữ upcycling lần đầu được sử dụng trong bối cảnh nước Anh đang khan hiếm nguyên liệu may quân phục. Mãi đến năm 1994, khái niệm upcycling mới trở nên phổ biến vì nhiều ý kiến cho rằng từ recycling (tái chế) đang làm giảm giá trị của những bộ trang phục đã được tân trang lại, cũng như thành quả sáng tạo của những thợ may. Kể từ đó, phương pháp tái chế sáng tạo này được gọi là upcycling (nâng cấp).

Một số tên tuổi trong làng thời trang thế giới đang đón đầu xu hướng này với việc “cải tiến” chính mình. Thương hiệu Miu Miu (Italia) được dẫn dắt bởi nhà thiết kế Miuccia Prada đã cho ra đời bộ sưu tập có tên “Upcycled by Miu Miu” nhằm thể hiện tư duy bắt kịp thời đại. Bộ sưu tập hợp tác cùng nhãn hàng Levi’s với một loạt các kiểu quần, áo, váy jeans cổ điển đã được Miu Miu hồi sinh bằng tài năng và lăng kính thời trang thú vị của thương hiệu. Thông qua việc tôn vinh những trang phục cổ điển, Miu Miu đã cho giới mộ điệu thấy được tư duy thiết kế táo bạo không có điểm dừng của hãng. Với nguồn chất liệu tuy đơn điệu nhưng hãng vẫn thể hiện được tài năng sáng tạo khi không có một sự trùng lặp nào giữa các mẫu thiết kế trong bộ sưu tập này. 

Giới chuyên môn nhận xét, khía cạnh phát triển bền vững cho ngành thời trang về sau chính là sử dụng chất liệu tái chế. Tuy nhiên, đây là một quá trình đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều kỹ năng như sự nhận thức về môi trường, khả năng sáng tạo, tư duy thiết kế mới lạ, mang yếu tố bền vững và đặc biệt phải có giá cả phải chăng.