Mục tiêu mới của Zara

Cố gắng bắt kịp trào lưu “sống xanh”, vừa qua nhãn hàng thời trang nhanh (fast fashion) Zara đã giới thiệu dự án hợp tác cùng thương hiệu Good American để mang đến những thiết kế đồ denim (vải jeans) đa dạng, đủ mọi phom dáng và kích cỡ. Đồng thời, hãng sẽ thu thập dòng sản phẩm cũ và tái sử dụng chất liệu cho các thiết kế mới.

Mục tiêu mới của Zara

Bộ sưu tập hợp tác có tên Good American x Zara có giá từ 35,90 đến 99,95 USD đã có mặt tại 40 cửa hàng trên khắp nước Mỹ vào ngày 5/5 vừa qua. Đó là các kiểu dáng quần jeans của Good American (bao gồm ôm cổ điển, ôm cạp cao, suông và ống loe của thập niên 90), những bộ jumpsuit, áo sơ-mi, áo khoác và áo thun cổ điển đen trắng... Mỗi thiết kế đều sử dụng chất liệu vải co giãn để ôm trọn đường cong cơ thể trong khi vẫn bảo đảm sự thoải mái, phù hợp với hình dáng người mặc với kích thước từ 00 đến 30. Đặc biệt, các sản phẩm đều cam kết mang tính bền vững với việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như bông tái chế và sợi tencel.

Theo tuyên bố mới nhất từ Inditex, công ty mẹ của Zara, đến năm 2025, thương hiệu sẽ phải đạt mức phát triển bền vững 100% ở tất cả hạng mục. Đầu tiên, toàn bộ các mẫu thiết kế sẽ sử dụng 100% cotton và linen (lanh) hữu cơ, sử dụng polyester tái chế thay vì polyester mới và chất liệu viscose khai thác từ nguồn gỗ mọc nhanh. Ngoài ra, các cửa hàng Zara cũng sẽ được trang bị những thùng tái chế quần áo. Hãng sẽ thu thập dòng sản phẩm cũ và tái sử dụng chất liệu cho các thiết kế mới.

Trong các cam kết hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường, ngày càng nhiều “ông lớn” của ngành thời trang thế giới dần chuyển mình sang hướng sản xuất bền vững. Tuyên bố về kế hoạch “sản xuất xanh”, Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ bền vững hoặc tái chế để làm quần áo. Mục tiêu “xanh” của Zara còn hướng tới việc các cửa hàng trưng bày sẽ sử dụng những thiết bị điện ít gây ô nhiễm môi trường nhất, bảo đảm nguồn năng lượng tái sử dụng đạt 80% ở các cửa hàng cũng như lắp đặt những thùng tặng đồ cũ tại các điểm bán hàng.

Về lâu dài, các mục tiêu phát triển bền vững này sẽ được áp dụng cho tất cả các thương hiệu khác của tập đoàn Inditex, bao gồm Zara Home, Pull & Bear và Massimo Dutti.

Bạn có biết: 

- Các hãng thời trang nhanh đang sản xuất và bày bán những món đồ có vẻ rẻ và hợp mốt đang bị cáo buộc là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nhà máy trên thế giới.

- Thời trang nhanh bắt đầu bùng nổ vào những năm 1960 khi người trẻ bắt đầu chuộng quần áo rẻ tiền để theo kịp xu hướng thay cho những bộ trang phục được may đo kỹ lưỡng như các thời trước đó. Điều này khiến các thương hiệu thời trang phải tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quần áo giá rẻ, dẫn đến sự mở cửa của hàng loạt nhà máy dệt may lớn tại nhiều nước đang phát triển. Với khả năng chỉ mất 15 ngày để biến một bộ quần áo đi từ đầu óc của một nhà thiết kế đến vị trí bày bán trên các kệ, sự xuất hiện của Zara vào năm 1989 tại thị trường Mỹ đã mở đường cho cuộc sự bành trướng của nhiều thương hiệu nhanh trên toàn thế giới. Vì vậy, ngành công nghiệp thời trang nhanh thường xuyên bị chỉ trích vì gây ô nhiễm nguồn nước, sử dụng chất hóa học độc hại và làm tăng lượng chất thải quần áo.

- Giới chuyên môn nhận định những hành động và tuyên bố của Zara vừa qua đáng được khích lệ. Tuy nhiên, theo Bloomberg thì sự thật là thương hiệu sẽ vĩnh viễn không thể được xem là thời trang bền vững trừ phi nó thay đổi mô hình kinh doanh thời trang nhanh.