Đồ hiệu làm từ da nuôi cấy

Sau khi tập đoàn thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH và nhãn hàng Fendi tuyên bố khởi đầu một chương mới với lông thú tạo từ chất keratin tại phòng thí nghiệm để sản xuất các mặt hàng thời trang cao cấp thì tập đoàn Kering cũng tuyên bố hợp tác với Công ty Vitrolabs tại California (Hoa Kỳ) để sản xuất các loại da thuộc nuôi cấy tế bào, dự kiến được sản xuất vào năm tới.

Đồ hiệu làm từ da nuôi cấy

Trong thông báo phát đi, tập đoàn Kering cho biết đã cộng tác với Vitrolabs, một công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học để tạo ra da bò từ quá trình nuôi cấy tế bào, thay thế chất liệu da từ động vật bị giết mổ để sản xuất các loại túi xách, giày dép, thắt lưng thời trang. Sự hợp tác mới này thổi bùng lên làn sóng tìm kiếm các chất liệu thay thế để sản xuất đồ hiệu cao cấp của các thương hiệu vì mặt hàng này từ lâu đã chịu nhiều chỉ trích vì thảm sát động vật.

Đại diện Công ty Vitrolabs cho biết, họ đã phát triển một kỹ thuật và áp dụng công nghệ để tái tạo tế bào da bò trong phòng thí nghiệm từ năm 2016. “Chúng tôi cung cấp cho các tế bào một môi trường tương tự, nơi chúng có thể tạo ra một lớp da giống như chúng vẫn tạo ra trên cơ thể động vật, nhưng là trong phòng thí nghiệm, không phải giết mổ động vật, không nảy sinh các tác động tới môi trường đất, khí thải hay rừng nhiệt đới”.

Lông thú và da động vật từ lâu đã trở thành chất liệu cốt lõi trong việc tạo ra các sản phẩm thời trang xa xỉ. Với sự tuyên bố hợp tác tìm nguyên liệu mới, Kering và Công ty Vitrolabs hứa hẹn hoàn toàn minh bạch về đánh giá tác động môi trường sau khi quá trình hoàn thành. “Mục tiêu của dự án này là muốn chứng minh cho công chúng thấy loại da này tốt hơn da truyền thống. Chúng tôi muốn giảm thiểu tác động đến môi trường nhiều nhất có thể. Các khách hàng cần hiểu rằng chúng tôi không chỉ sáng tạo trên sàn diễn mà còn làm việc cật lực trong phòng thí nghiệm để bảo vệ tương lai của chính họ”, Kering tuyên bố.

Giới chuyên môn bình luận động thái này của Kering không chỉ là vì mục đích cạnh tranh và lấy lòng những người tiêu dùng gen Z, nhóm đối tượng trẻ, giàu có luôn quan tâm tới môi trường và chất lượng cuộc sống mà quan trọng hơn là lời hứa cam kết sáng tạo bền vững, tận dụng công nghệ để tìm ra nguyên liệu mới không gây hại cho động vật và ảnh hưởng đến môi trường.

Bạn có biết?

- Hiện, xu hướng thực vật hóa các sản phẩm có nguồn gốc động vật đang bùng nổ trong ngành thời trang và thực phẩm. Gần đây, nhãn hàng cao cấp như Hermès đã hợp tác với Mycoworks, để tạo ra một loại da từ sợi nấm, trong khi thương hiệu Stella McCartney đã liên kết với công ty may mặc Mylo để tìm chất liệu thay thế da từ nhà cung cấp Bolt Threads. Công ty mẹ của Tommy Hilfiger là PVH và nhà bán lẻ Đan Mạch Bestseller cũng đã có một hợp tác thời trang với công ty công nghệ sợi nấm Ecovative. Đồng thời, số lượng các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ tuyên bố từ bỏ lông thú hoặc cam kết giảm dần da động vật cũng đang tăng nhanh, từ Mytheresa, Oscar de la Renta đến Burberry, Neiman Marcus, Coach, Miu Miu và Canada Goose... Năm ngoái, tập đoàn Kering đã cam kết loại bỏ hết lông thú thật trong các nhãn hàng mà tập đoàn quản lý và bây giờ là sự hợp tác sản xuất da nuôi cấy tế bào cho các sản phẩm thời trang vào năm tới.

- Kering cho biết, cơ sở thử nghiệm ở California dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 nhưng kế hoạch tương lai là đặt các cơ sở sản xuất quy mô lớn gần các xưởng thuộc da ở châu Âu và các nơi khác.