Vì sao bóng đèn halogen bị cấm?

Nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ cấm sử dụng loại đèn halogen kể từ ngày 1-9 và khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng bóng đèn công nghệ phát sáng diode (LED).

Vì sao bóng đèn halogen bị cấm?

Theo CNN, hiện loại đèn halogen được đánh giá hiệu quả năng lượng ở mức D - mức xếp hạng thấp nhất theo tiêu chuẩn châu Âu. Các nước thành viên EU đã quyết định ngưng sử dụng loại bóng đèn này vào năm 2016, tuy nhiên Ủy ban châu Âu cho rằng cần có thêm thời gian để người dân làm quen với loại đèn thay thế. Và ngày 1-9 tới, loại đèn này sẽ chính thức bị “khai tử”.

Ủy ban châu Âu về khí hậu và năng lượng cho biết, việc loại bỏ các bóng đèn không hiệu quả sẽ hạn chế được 15,2 triệu tấn khí thải CO2 vào năm 2025. Biện pháp này cũng sẽ giúp giảm lượng dầu nhập khẩu vào EU xuống gần 75 triệu thùng/năm, điều rất có ý nghĩa với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Không chỉ riêng đèn halogen mà đối với loại đèn compact huỳnh quang (CFL) cũng sẽ có lệnh cấm vào năm 2020.

Việc loại bỏ đèn compact huỳnh quang là một bước đi lớn bởi đây là loại đèn đang được nhiều gia đình, doanh nghiệp sử dụng. Tuy nhiên, vì loại đèn này sử dụng thủy ngân, loại chất không thân thiện với môi trường, nếu bảo quản không cẩn thận khi vỡ chất thủy ngân sẽ phát tán trong nước, không khí và đất gây nguy hại. Các nhà khoa học ước tính, nếu vỡ một bóng đèn compact huỳnh quang thì 5 mg thủy ngân độc hại sẽ phát tán trong môi trường. Người tiếp xúc với nó sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe với những triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, nhức đầu. Nếu nhiễm nặng sẽ ảnh hưởng đến trí não, liên quan bệnh thận...

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho biết ánh sáng ở đèn halogen còn có thể làm thoái hóa điểm vàng, võng mạc, cườm nước ở mắt, làm giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng này cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp độ sinh hoạt, ảnh hưởng khả năng ngủ và thức dậy đúng giờ của con người, đồng thời tác động lên các quá trình chuyển hóa của cơ thể.

So với đèn halogen thì đèn LED tiêu thụ ít năng lượng và đem lại nhiều tiện lợi hơn về kinh tế lẫn môi trường. Đèn LED được chế tạo có ít ánh sáng hồng ngoại và không phát ra tia UV, không gây hại cho sức khỏe con người với những bệnh như ung thư da, lão hóa sớm, đau đầu vì không chứa các chất độc hại như thủy ngân, chì, cadimum. Ngoài ra, đèn LED còn giúp giảm 80% lượng phát thải khí CO2, do vậy không chỉ thích hợp cho ngôi nhà của bạn mà còn thích hợp cho các nguyên liệu, hàng hóa nhạy cảm với nhiệt. “Khi so sánh bóng đèn sợi đốt với ánh sáng đèn LED cũng giống như bạn so sánh chiếc máy tính 20 tuổi so chiếc máy tính hiện nay. Mặc dù cả hai đều cùng làm một nhiệm vụ là phát ra ánh sáng, nhưng đèn LED có chất lượng ánh sáng cao hơn rất nhiều và quan trọng là nó giúp bạn giảm được 60% chi phí tiền điện”, CNN phân tích. Ủy ban châu Âu về khí hậu và năng lượng ước tính việc chuyển sang sử dụng đèn LED sẽ tiết kiệm được 115 euro/tuổi thọ mỗi bóng đèn.