Cung cấp định danh điện tử

Định danh điện tử của công dân Việt Nam sẽ bao gồm số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh chân dung và vân tay. Mục đích của việc lập định danh trên để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như Cổng dịch vụ công quốc gia, xuất nhập cảnh hay các giao dịch cần sử dụng công nghệ thông tin.

Khi làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cần có định danh cá nhân. Ảnh: NGUYỆT ANH
Khi làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cần có định danh cá nhân. Ảnh: NGUYỆT ANH

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 34/2021 quy định về định danh, xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu xuất nhập cảnh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/11, áp dụng đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, định danh điện tử được hiểu là các dữ liệu số trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép xác định duy nhất một cá nhân. Đối với công dân Việt Nam, danh tính điện tử gồm số định danh cá nhân (in trên căn cước công dân gắn chip). Danh tính điện tử của người nước ngoài sẽ thay số định danh công dân bằng số của hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương cùng các dữ liệu còn lại.

Quyết định số 34/2021 giải thích định danh điện tử (e-Identification - eID) là hoạt động thu thập, tạo lập, gắn danh tính điện tử cho cá nhân. Còn xác thực điện tử (e-Authentication) là xác minh, xác nhận của cơ quan chức năng đối với người sử dụng danh tính điện tử.

Bộ Công an là đơn vị tạo phần mềm định danh điện tử để phục vụ đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử cũng như xây dựng, quản lý hệ thống xử lý các yêu cầu đăng ký, cấp, quản lý định danh và xác thực.

Theo quyết định này, người từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký định danh điện tử. Những người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo  định danh của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Việc khai báo  định danh phải được thực hiện trên điện thoại, máy tính hoặc thiết bị điện tử khác. Sau khi công dân kê khai, nếu thông tin trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay dữ liệu nhập cảnh thì được cấp định danh, xác thực điện tử qua số điện thoại hay email.

Cùng với đó, quyết định cũng quy định các trường hợp khóa định danh điện tử gồm: khi chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa định danh điện tử của mình; khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ; khi chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản dịch vụ đã thỏa thuận với cơ quan cấp định danh điện tử; khi thực hiện xác lập lại hoặc hủy số định danh cá nhân; khi chủ thể danh tính điện tử chết.

- Thông tin cần khai báo khi đăng ký  gồm: (1) Số định danh cá nhân; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); (2) Họ, tên đệm và tên; (3) Ngày, tháng, năm sinh; (4) Giới tính; (5) Quốc tịch (đối với người nước ngoài); (6) Số điện thoại, email. Trường hợp đăng ký cho người chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì kê khai thêm thông tin quy định tại số (1), (2), (3), (4), (5) của người đó.

- Những định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh trước ngày 9/11/2021 thì đến trước ngày 1/1/2023 phải được xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.