Bước tiến vượt bậc của IBM

Ngày 6-5 vừa qua, Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) tuyên bố đã tạo ra một con chip với kích cỡ chỉ 2 nanomet (nm). Các chuyên gia đánh giá đây là bước tiến gần hơn tới tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn nhờ những con chip ngày càng nhỏ hơn, nhanh hơn, mạnh hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.

IBM công bố con chip nhỏ nhất thế giới. Ảnh: CNN
IBM công bố con chip nhỏ nhất thế giới. Ảnh: CNN

Hầu hết các thiết bị điện tử ngày nay đều sử dụng chip có kích cỡ từ 7 nm đến 10 nm. Một số nhà sản xuất lớn đã tiệm cận việc sản xuất chip 5 nm. Mục tiêu phát triển chung của ngành là hướng tới việc thu nhỏ nhất con chip nhưng đạt được hiệu năng lớn hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mới có IBM tạo ra được con chip 2 nm dành cho các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh cho tới các siêu máy tính.

Giám đốc nghiên cứu của IBM Dario Gil cho biết: “Cách để cải thiện hiệu suất của con chip là tăng số lượng bóng bán dẫn - thành phần cốt lõi trong xử lý dữ liệu, mà không làm tăng kích thước tổng thể của con chip”. Đồng quan điểm này, ông Mukesh Khare, Phó Giám đốc nghiên cứu nền tảng đám mây của IBM phân tích thêm: “Con chip 2 nm mới có kích thước chỉ gần bằng móng tay nhưng chứa 50 tỷ bóng bán dẫn có kích thước siêu nhỏ”.

Có nhiều bóng bán dẫn hơn sẽ cho phép áp dụng nhiều cải tiến liên quan trí tuệ nhân tạo và công nghệ mã hóa. “Khi chúng ta trải nghiệm các sản phẩm điện thoại, ô-tô hoặc máy tính hiện đại hơn, đó là bởi đằng sau “hậu trường”, hoạt động của các bóng bán dẫn trở nên tốt hơn và con chip mới đã có số lượng bóng bán dẫn lớn hơn nhiều so trước đây”, ông Gil nói. Dự kiến, con chip mới ​​sẽ đạt hiệu suất cao hơn 45%  và sử dụng năng lượng thấp hơn khoảng 75% so các chip 7 nm tiên tiến nhất hiện nay. Với chip 2 nm, thời lượng pin điện thoại thông minh có thể kéo dài hơn gấp bốn lần, tốc độ xử lý của máy tính xách tay sẽ nhanh hơn rõ rệt… Các con chip 2 nm dự kiến ​​sẽ được đưa vào sản xuất bắt đầu từ cuối năm 2024 hoặc năm 2025.