Xứng đáng là “lá chắn” của nhân dân

Nhiều gương mặt tiêu biểu trong lực lượng công an nhân dân có những chiến công thầm lặng. Nhưng họ không mấy có dịp trải lòng về những khía cạnh khác trong cuộc sống. Trong đó có nhiều mồ hôi, nước mắt và cả sự mất mát, hy sinh.

Lực lượng cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ. Ảnh: NGUYỄN PHONG SƠN
Lực lượng cảnh sát PCCC làm nhiệm vụ. Ảnh: NGUYỄN PHONG SƠN

Hiểm nguy vẫn yêu nghề

Thượng tá Y Mai Anh, Trưởng Công an huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai tâm sự: “Vì lòng say mê nghề nghiệp, trong thời gian làm trinh sát tôi đã trực tiếp bắt gần 40 đối tượng buôn bán ma túy nguy hiểm. Có những thời điểm vì tập trung đánh án, công việc trong gia đình, chăm sóc con cái cũng tạm thời bị gác lại. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm một lần biết con sốt cao đúng lúc đang làm nhiệm vụ theo dõi đối tượng, mặc dù trong lòng rất muốn về thăm nhà nhưng vì nhiệm vụ được giao, lại là người tham gia tuyến đầu, tôi vẫn dặn lòng phải tập trung hết sức hoàn thành. Cá nhân nhận thức rằng mình là phụ nữ nên sẽ gặp khó khăn hơn so các đồng nghiệp nam. Tuy nhiên khi vào ngành, tôi xác định phải vượt qua tất cả và đặc biệt cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. May mắn cho tôi là có sự chia sẻ và thấu hiểu từ phía gia đình, khi chồng cũng ở trong ngành và nhiều lúc thay tôi trở thành hậu phương”. 

Đó là những chia sẻ chân thành trong buổi gặp mặt, giao lưu điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” của lực lượng Công an nhân dân (CAND) giai đoạn 2015 - 2020” vừa diễn ra tại trụ sở Báo Nhân Dân, do Bộ Công an và báo phối hợp tổ chức, chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19-8-1945 - 19-8-2020). Nhiều gương điển hình đã chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm cá nhân trong đấu tranh trấn áp tội phạm cũng như những tâm tư tình cảm hết sức chân thành về nghề và đời. 

Trong bối cảnh các loại ma túy tăng nhanh về số lượng, các đối tượng buôn bán ngày càng manh động. “Trong một lần đánh án mới đây, các đối tượng vận chuyển 6 kg ma túy đá bằng xe ô-tô vào nam đã sẵn sàng dùng vũ khí và đâm xe khiến một số đồng chí bị thương. Bất chấp việc chúng tôi nổ súng chỉ thiên, các đối tượng vẫn cố thủ trong ô-tô. Chỉ sau khi đập kính và ném lựu đạn khói, các đối tượng này mới ra khỏi xe và bị khống chế”, đồng chí Phạm Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, CA tỉnh Hòa Bình kể lại.

Từ năm 1997 tới nay, trên mặt trận phòng, chống ma túy đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng công an, bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ… anh dũng hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương, bị phơi nhiễm HIV… Nhiều chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và những mất mát đó không gì bù đắp được. Tuy nhiên, đó là minh chứng cho sự trung thành và kiên cường, quyết tâm đẩy lùi ma túy ra khỏi xã hội của các chiến sĩ CAND. 

Vì dân quên mình

Xem những thước phim phóng sự chân thực về cuộc đối đầu với “giặc lửa”, một mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm, nhiều người vẫn cảm nhận được tình thế không kém phần hiểm nguy và gian khổ. Trong đó, những người chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn như Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang đã để lại ấn tượng sâu sắc và xúc động. 

Mặc dù chỉ mới bước qua tuổi 20, nhưng Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang, thuộc đội tổng hợp Phòng cảnh sát PCCC số 7, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, đã hơn 50 lần trực tiếp tham gia chữa cháy và cứu hộ người dân. Năm 2015, trong một lần tham gia chữa cháy tại xưởng tái chế nhựa ở huyện Thường Tín (Hà Nội), Thượng sĩ Quang bị bỏng nặng và bị biến dạng đôi bàn tay. Không thể trực tiếp tham gia chữa cháy, nhưng người lính trẻ vẫn tiếp tục gắn bó và cống hiến cho công tác PCCC. “Khi đã yêu và chọn nghề lính cứu hỏa, tôi không bao giờ nuối tiếc và sẽ tiếp tục cống hiến hết mình. Đối với tôi, những cái nắm tay, những lời cảm ơn chân thành của người dân chính là món quà hạnh phúc, là động lực lớn nhất”, Thượng sĩ Quang bày tỏ.

Đương đầu với hiểm nguy từng ngày, các chiến sĩ CA không chỉ đối mặt nhiều vết thương trên cơ thể, mà còn có không ít trường hợp sang chấn tâm lý sau hoàn thành nhiệm vụ, có lẽ theo họ tới cả cuộc đời. “Trong một lần làm nhiệm vụ cứu hộ ở quận 9, TP Hồ Chí Minh, tôi tham gia tìm vớt một đứa bé sống cùng gia đình trên thuyền không may bị đuối nước. Lúc đó, tôi được biết gia đình cũng đã từng mất con trai vì đuối nước trước đó 10 năm. Quả thực, không có từ nào diễn tả được cảm xúc đau thương khi đó, cũng chính điều này làm tôi suy nghĩ rất nhiều, thôi thúc bản thân không để những tai nạn tương tự xảy ra và tôi mong sẽ không phải chứng kiến những thảm cảnh như thế”, Trung úy Võ Thành Công, thuộc Phòng Cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh nhớ lại.

Có thể thấy dù ở mặt trận nào, anh chị em chiến sĩ CAND vẫn luôn là những tấm gương hy sinh được nhân dân tin yêu. Rất nhiều tấm gương trong lực lượng CAND sẽ tiếp tục phát huy năng lực, xây dựng lực lượng CAND xứng đáng trở thành “lá chắn”, bảo vệ sự yên bình của người dân.