Từ trận mạc đến những ngôi chùa

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Tây Nam Bộ (Quân khu 9), khi nhắc tới Trung đoàn U Minh-một đơn vị chủ lực của Quân khu hồi đó, bao giờ người ta cũng nhắc tới người trung đoàn trưởng Ba Trà. 

Khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm phương Nam.
Khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm phương Nam.

1/ Ba Trà là cách gọi thân mật của người dân nơi đây với Đại tướng Phạm Văn Trà-nguyên Bộ trưởng Quốc phòng. Những năm tháng gian khổ, khốc liệt đó, ông đã sát cánh cùng với những cán bộ ưu tú, tài giỏi, gan góc và trung kiên như: Bảy Quang, Mười Kiệm, Tư Minh, Bảy Sa, Hai Dương Tử,… làm nên danh hiệu Trung đoàn U Minh hai lần anh hùng. 

Vào những năm 70 của thế kỷ 20, hoạt động ở địa bàn mà kế hoạch “Bình định” của địch gần như đã hoàn tất, đồn bốt của chúng đóng khắp nơi; vậy mà Trung đoàn vẫn trụ vững, đánh mạnh, “mở mảng, chuyển vùng” tạo thế “da báo” xen kẽ với địch trong thế trận chiến tranh nhân dân ở miền Tây Nam Bộ.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, năm 1977, đồng chí Phạm Văn Trà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Những năm sau đó, khi làm Tư lệnh Mặt trận 979 giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt; rồi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân khu 3; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng; ở cương vị công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những vấn đề lớn mang ý nghĩa chiến lược như: “Kết hợp quốc phòng với kinh tế”, “xây dựng khu vực phòng thủ”, giảm số quân thường trực, xây dựng nền quốc phòng toàn dân... đều có sự đóng góp công sức và trí tuệ to lớn của ông. Những cách đánh địch, cách sử dụng binh lực và kinh nghiệm cầm quân của ông đã làm phong phú thêm truyền thống đánh giặc giữ nước và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

2/ Năm 2005, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại tướng Phạm Văn Trà nghỉ hưu theo chế độ. Những năm gần đây, nghe nói là ông đang xây nhiều chùa ở các tỉnh Tây Nam Bộ, tôi và một số anh em quen biết ông cảm thấy ngạc nhiên. Ông thường ở trong nam nên gặp ông rất là khó. Vốn là phóng viên báo Quân khu 9 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi thường “nằm” ở Trung đoàn U Minh có khi vài tháng, nên có khá nhiều lần được làm việc với ông. Tháng 9/2015, sau dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9, ông có lời mời tôi và anh Lê Thế Thành (cùng là phóng viên báo Quân khu 9 những năm đánh Mỹ) vào thăm chiến trường xưa.

Xuống sân bay Cần Thơ, ông dẫn chúng tôi đi thẳng về Thiền viện Trúc Lâm phương Nam được xây dựng tại xã Nhân Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Ông cho biết: Thiền viện Trúc Lâm phương Nam được khánh thành năm 2014 sau Thiền viện Trúc Lâm Hộ quốc một năm. Thiền viện Trúc Lâm Hộ quốc được xây dựng ở xã Dương Tơ phía đông nam huyện đảo Phú Quốc. 

Nhà chùa mời chúng tôi dùng cơm chay, sau đó hướng dẫn chúng tôi thăm cảnh chùa. Ông kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất sâu sắc về ý tưởng của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Mấy chú biết đấy, hồi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, anh Sáu là Chính ủy Quân khu Tây Nam Bộ (bí danh là Tám Thuận, anh Lê Đức Anh-Tư lệnh quân khu là Chín Hòa), tôi là cán bộ thuộc Trung đoàn U Minh, nên mối quan hệ anh em giữa hai người rất thân thiết. Những năm sau này khi anh Sáu làm Thủ tướng, tôi công tác ở Bộ Quốc phòng nên lại càng có dịp làm việc với anh thường xuyên hơn. Hai anh em, ngoài công việc chung, thường hay bàn về nhân tình thế thái, về con người Việt Nam. Khi nghỉ hưu, có một lần anh gọi tôi đang ở Phú Quốc lên TP Hồ Chí Minh bàn chuyện. Ngồi uống nước với nhau sau bữa cơm chiều, tôi rất bất ngờ khi anh nói với tôi một điều khá hệ trọng: Ba Trà này (anh Sáu thường gọi tôi như vậy) đông đảo người dân đất Nam Bộ này, từ xưa là người miền ngoài vào. Đó là những con người rất quả cảm. Họ đi khai khẩn một vùng hoang sơ, đối mặt với bao hiểm nguy từ thiên tai, giặc dã, để đến hôm nay ta có cả một vùng đất trù phú, màu mỡ, hằng năm dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, trái cây, thủy sản, trong đó có một lượng lớn dành cho xuất khẩu… Cậu thấy đấy, lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến nước này đưa quân sang xâm lược, thôn tính nước kia không khó lắm, nhưng đồng hóa một nền văn hóa thì không dễ. Hàng nghìn năm qua, sở dĩ dân tộc này chiến thắng nhiều đế quốc xâm lược hùng mạnh hơn ta rất nhiều, suy cho cùng là sức mạnh văn hóa. Muốn giữ nước bền vững phải xây dựng một nền văn hóa thuần Việt-sức mạnh nội sinh của một dân tộc. Trong văn hóa bao gồm cả tôn giáo. Trong tôn giáo có đạo Phật. Lịch sử cho thấy đạo Phật vào Việt Nam khá sớm. Phật hoàng Trần Nhân Tông là người lên núi tu hành, mở ra phái Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng của Việt Nam… Tôi thấy suy nghĩ của anh Sáu thật sâu sắc. 

3/ Thiền viện Trúc Lâm Hộ quốc được xây đầu tiên ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang); kế đến là Thiền viện Trúc Lâm phương Nam ở Cần Thơ… Thời gian trước, hằng ngày, ở mỗi chùa có tới hàng nghìn khách cả trong và ngoài nước đến vãn cảnh và cầu an. Những ngày nghỉ, ngày lễ có chùa lên đến hàng vạn khách tới.

Đại tướng Phạm Văn Trà kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện chung quanh việc xây chùa, về Phật giáo. Điều bất ngờ đối với chúng tôi là ông hiểu khá sâu sắc về đạo Phật. Ví như sự khác nhau giữa “Thiền viện” với “Tịnh độ”, ăn chay có ngày và trường chay. Thiền viện thì không đốt vàng mã, không xem bói, lên đồng, không dâng sao giải hạn, không quyên góp tiền bạc… Đó là những thứ mê tín, không đúng với quy định của nhà Phật. Phương châm hành động của Phật giáo nước ta là: Đạo pháp-Dân tộc và chủ nghĩa xã hội.