Tự hào dấu ấn và bản sắc Việt Nam

Đến ngày 31/12/2021, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Hai năm qua là giai đoạn hết sức khó khăn đối với thế giới nói chung và HĐBA nói riêng, do những chuyển biến phức tạp và khó lường, chưa có tiền lệ của cục diện quốc tế, song Việt Nam đã tạo được những dấu ấn rõ nét, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong giải quyết các vấn đề quốc tế. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: ĐINH TRƯỜNG
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì buổi họp báo. Ảnh: ĐINH TRƯỜNG

Tham gia tích cực, đóng góp thực chất

Trong hai năm qua có nhiều vấn đề quốc tế mới nổi, thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19, HĐBA đã kịp thời thích ứng, duy trì các hoạt động và phát huy vai trò là cơ chế quan trọng hàng đầu không thể thay thế trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Theo thống kê của Bộ Ngoại giao (BNG), HĐBA có hơn 840 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, hàng nghìn cuộc tham vấn các cấp và thông qua được 254 văn kiện dưới các hình thức khác nhau. HĐBA đã có chương trình nghị sự phong phú, với nhiều nội dung bao quát tất cả các khu vực như dịch Covid-19, an ninh khí hậu, an ninh biển, hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, tình hình xung đột và bất ổn ở một số điểm nóng trên thế giới như Yemen, Syria, Haiti, Myanmar… 

Tại buổi họp báo quốc tế về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 diễn ra ngày 17/1, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã một lần nữa khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng việc tham gia HĐBA với mong muốn góp tiếng nói vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên LHQ, đồng thời góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Với thông điệp xuyên suốt là Đối tác vì hòa bình bền vững, Việt Nam đã tham gia HĐBA với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đề xuất các sáng kiến đóng góp thực chất vào công việc của HĐBA, phát huy vai trò của HĐBA trong tìm kiếm các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý xung đột và ứng phó các thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế trên cơ sở tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”. 

Tại buổi họp báo, BNG cũng đã công bố 10 dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Những dấu ấn đó đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: “Hai năm qua có rất nhiều sự kiện diễn ra, trong đó có nhiều điểm đọng lại. Điều tâm đắc nhất là việc chúng tôi đã thể hiện được một bản sắc riêng của Việt Nam khi tham gia công việc của HĐBA. Đây là một sân chơi quốc tế rất quan trọng. Bản sắc đó chính là yếu tố định vị Việt Nam khi tham gia các cuộc thảo luận. Bản sắc đó cũng tạo ra uy tín và vị thế của Việt Nam khi giải quyết các vấn đề toàn cầu, không phải chỉ giới hạn trong nhiệm kỳ 2008-2009 trước đây mà cả nhiệm kỳ 2020-2021. Bản sắc đó gói gọn trong thông điệp “Đối tác vì hòa bình bền vững”. 

Ba thông điệp chính khi Việt Nam tham gia HĐBA đã được thể hiện mạnh mẽ và rõ nét. “Về tổng thể đã truyền tải một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Về tầm nhìn, Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong giải quyết các thách thức về hòa bình và an ninh để có một nền hòa bình bền vững, lâu dài. Các giải pháp mà Việt Nam đề xuất thúc đẩy đều dựa trên luật pháp quốc tế và đặt người dân và sinh kế của họ ở vị trí trung tâm, lấy người dân làm trung tâm, chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình từ khâu ngăn chặn, giải quyết xung đột, tái thiết hậu xung đột và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Về cách làm, sắc thái riêng của Việt Nam thể hiện ở chỗ luôn hướng tới thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu. Trong bối cảnh phức tạp những năm qua, Việt Nam càng đề cao đối thoại, giảm căng thẳng, giảm đối đầu. Việt Nam đã tham gia HĐBA với một tinh thần tích cực, xây dựng, chú trọng quan điểm của các nước liên quan, nhất là các nước liên quan trực tiếp. Trong vai trò điều hành làm chủ tịch luân phiên HĐBA hay chủ tịch các cơ chế trực thuộc, Việt Nam cũng luôn lắng nghe và tìm điểm đồng thuận, giải quyết sự quan tâm của các nước, chính vì vậy tạo nên một sắc thái, bản sắc riêng. Việt Nam đã tìm ra một phong cách, sắc thái riêng của Việt Nam khi tham gia làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ. 

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen đã gửi lời chúc mừng thành công của Việt Nam trong  nhiệm kỳ vừa qua tại HĐBA. Bà nhấn mạnh luôn theo dõi những đóng góp quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là khi hai nước đã có thời gian phối hợp chặt chẽ khi cùng tham gia trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021. Na Uy và Việt Nam chia sẻ nhiều vấn đề quan tâm chung tại HĐBA, như phụ nữ, hòa bình và an ninh. Bà Lochen đặc biệt hoan nghênh Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình đã tham gia tổ chức phiên thảo luận và thông qua Cam kết hành động Hà Nội về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào tháng 12/2020. Ngoài ra, bà cũng đề cập một trong những dấu ấn đã được nhắc đến của Việt Nam là tạo được sự gắn kết giữa HĐBA với các tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tạo được cơ chế tương tác và hỗ trợ giữa HĐBA và ASEAN.

Tự hào dấu ấn và bản sắc Việt Nam -0
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. Ảnh: TTXVN 

Sự tham gia tại HĐBA LHQ còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, người di cư, an ninh mạng… Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ từ phía bạn bè quốc tế. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là 192/193 quốc gia thành viên LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. 

Trong quá trình giữ trọng trách này, những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nước thành viên LHQ. Chẳng hạn như tại phiên thảo luận mở về Hiến chương LHQ tổ chức vào tháng 1/2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên HĐBA, phiên làm việc đã có sự tham dự và phát biểu của 111 đại diện các nước, các tổ chức - con số kỷ lục đối với một cuộc họp của HĐBA; Nghị quyết do Việt Nam đề xuất về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân là một trong số hiếm hoi (chỉ khoảng 1%) các Nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ... 

Những thành công và dấu ấn của Việt Nam tại HĐBA góp phần quan trọng khẳng định hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới.

Trong nhiệm kỳ HĐBA 2020-2021, Việt Nam đã chủ động thúc đẩy các sáng kiến, biện pháp được đánh giá cao, như chủ trì xây dựng chín văn kiện quan trọng, bao gồm Nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; Nghị quyết gia hạn cơ chế các tòa án còn tồn đọng; Tuyên bố Chủ tịch về tôn trọng Hiến chương LHQ; Tuyên bố Chủ tịch về xử lý hậu quả bom mìn; Tuyên bố Chủ tịch về vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin; Tuyên bố báo chí về vụ tiến công khủng bố tại Indonesia 3/2021 và sáu lượt văn kiện liên quan vấn đề ở Nam Sudan. Ngoài ra, Việt Nam cũng chủ trì, đề xướng nhiều cuộc họp, thảo luận mở về các vấn đề cấp thiết của khu vực và thế giới.