Thỉnh lên hồi chuông biết ơn

1/ Hơn một tháng qua, nhất là dịp mấy ngày nghỉ lễ cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2022, hàng chục nghìn khách du lịch lên thăm công trình đền thờ các anh hùng - liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên đồi F (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Đây quả là những hình ảnh đầy xúc động tại điểm văn hóa - tâm linh cách xa trung tâm Hà Nội tới 500 km đường bộ quanh co, trập trùng đèo dốc. 

Quang cảnh đền thờ trên đồi F.
Quang cảnh đền thờ trên đồi F.

Một sáng trước thềm ngày khánh thành 18/5, khu đền thờ càng lung linh trong cái nắng tháng 5 như mầu hổ phách. Ông Trịnh Văn Cường (xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), chia sẻ: “Vợ chồng chúng tôi đều đã hơn 70 tuổi, đây là lần đầu tiên chúng tôi đi du lịch Điện Biên với sự giúp đỡ của các con. Tôi nguyên là một kiến trúc sư nên có chút hiểu biết chuyên môn về xây dựng. Chúng tôi thấy công trình đẹp một cách trang trọng với lối thiết kế dẫn - mở chia thành ba không gian tương hỗ, từ vị trí cổng vào cho tới điểm kết thúc của quần thể công trình. Tôi không biết ai là tác giả của đồ án thiết kế, nhưng có thể thấy đây là người có kinh nghiệm thiết kế xây dựng nói chung, cũng như có kinh nghiệm thiết kế một công trình tâm linh, đặc biệt công trình trải dài theo một mặt bằng đồi núi cụ thể”.

Từ ý kiến của ông Trịnh Văn Cường, ngay trong buổi sáng cùng ngày, chúng tôi tình cờ gặp kỹ sư Nguyễn Việt Phương - Trưởng Ban quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Điện Biên (đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là Chủ đầu tư (đơn vị quản lý dự án) công trình Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ). Dừng chân bên hạng mục có cái tên gợi cảm và rất tâm linh là “Hồ Tĩnh tâm” (thuộc không gian tưởng niệm) kỹ sư Nguyễn Việt Phương nói như người “thuộc lòng” các chi tiết của dự án. Theo ông Nguyễn Việt Phương, cách đây gần bốn năm (9/2018), một cuộc thi Đồ án thiết kế công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Sau gần sáu tháng, trong số hàng chục bài dự thi, Ban tổ chức đã chọn được ba bài chất lượng nhất và Văn phòng Tư vấn & Chuyển giao công nghệ xây dựng (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội) đã giành giải nhất. Phần thưởng cho giải nhất là 200 triệu đồng và Đồ án được ứng dụng thi công. Đó chính là công trình như mọi người thấy hiện nay.

2/ Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Quản lý dự án “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” - toàn bộ công trình có tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng. Kể từ ngày khởi công (13/3/2021), hơn một năm qua có thời điểm trên công trường gần 200 cán bộ, công nhân thi công trên công trường căng mình trong thời tiết “đỏng đảnh” một ngày có đủ bốn mùa của vùng cao Tây Bắc. Mùa gió lào khô rát năm ngoái, có công nhân mấy lần đi viện vì chảy máu cam. Xác định đây là công trình đặc biệt, mang ý nghĩa tâm linh, nên ngoài việc nghĩa vụ “làm công ăn lương” đơn thuần, mỗi cán bộ, công nhân muốn gửi vào đây tấm lòng biết ơn và sự biết ơn chân thành nhất.

Có mặt ở công trường không thiếu một ngày nào dù trời nắng hay trời mưa, ông Tạ Hữu Quang, chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Trong hệ thống các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung và các điểm chiêm bái - tưởng niệm hướng về võ công Điện Biên Phủ nói riêng, công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ”, được xem là mới nhất, đẹp nhất, trang trọng và bề thế nhất. Công trình có mặt bằng xây dựng gần 50 nghìn m2, thiết kế theo kiến trúc truyền thống, chia thành ba không gian chính: Không gian dẫn nhập, không gian tĩnh tâm và không gian tâm linh. Kết nối các không gian (Đền thờ chính, nhà Tiền tế, các nhà Tả vu, Hữu vu, nhà dịch vụ) là những đường dẫn chuyển tiếp cao độ, bên những sườn đồi trồng rất nhiều hoa cảnh. Trong đó, đền thờ chính kết cấu công trình sử dụng móng bê-tông cốt thép đổ toàn khối, kết hợp hệ kết cấu gỗ theo kiến trúc truyền thống, mái lợp ngói mũi hài, nền nhà và bậc tam cấp lát đá granit tự nhiên. Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, mỗi đơn vị tham gia đã nhập cuộc chủ động, trách nhiệm cao trong hơn một năm qua với vô vàn khó khăn do dịch Covid-19; do những yêu cầu đặc biệt khắt khe, nghiêm cẩn về chủng loại vật liệu, các phụ kiện đặc trưng của công trình tâm linh, cây xanh trồng trong khuôn viên công trình, nhiều loại vật liệu cự ly vận chuyển rất xa, tận Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định... 

3/ Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: Cùng với đồi A1, năm xưa đồi F là một trong năm điểm cao quan trọng nhất, có tác dụng che sườn cho phân khu Đông của quân Pháp. Đồng thời, cùng các điểm cao khác, tạo thành một “bức bình phong” bảo vệ cho khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau ba đợt tấn công, để làm chủ cứ điểm đồi F, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh rất nhiều xương máu. Thời điểm trước khi lễ khởi công xây dựng Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ được tổ chức (3/2021), một lần nữa gần chục ngôi mộ liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục được phát hiện và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Di tích đồi F được tôn tạo sẽ là “điểm đến” trong hành trình tham quan Điện Biên Phủ, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Thỉnh lên hồi chuông biết ơn -0
Cựu chiến binh thăm đền thờ. 

Tại Lễ khánh thành Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F sáng 18/5, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Công trình Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ trên đồi F hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên và mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ, thân nhân các liệt sĩ trong cả nước về một công trình khắc nghĩa tri ân nơi chiến trường xưa. Ông Lê Thành Đô chia sẻ : “Gần 70 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, phần lớn các liệt sĩ đã được quy tập, chăm sóc và thờ phụng trong các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên. Tuy nhiên, do điều kiện khốc liệt của cuộc chiến cũng như những khó khăn khách quan trong thời kỳ đó, nên rất nhiều liệt sĩ, đồng bào tử nạn vẫn còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất lịch sử này. Những hàng bia khuyết danh trong nghĩa trang liệt sĩ, nỗi niềm đau đáu của thân nhân các liệt sĩ khi chưa tìm được mộ phần người thân luôn là trăn trở của mỗi chúng ta, những người đang sống trong hoà bình, độc lập ngày hôm nay. Hy vọng rằng, công trình Đền thờ liệt sĩ hôm nay sẽ phần nào khỏa lấp niềm mong mỏi tri ân của triệu triệu tấm lòng...”.

Người Pháp gọi cứ điểm đồi F là “Mont Fictif”, dịch ra tiếng Việt Nam có nghĩa là “Đồi tưởng tượng”. Theo ý tưởng của dự án, địa điểm công trình “Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ” đặt trên đồi F (tiếng Thái là đồi Pom Ca, do xưa kia trên đồi có nhiều cây sa nhân). Đồi F gần với các di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, như: Đồi A1 (nơi Hoàng Công Chất từng đóng bản doanh cách đây gần ba thế kỷ), Nghĩa trang liệt sĩ A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gần đồi Pom Loi (đồi Lễ tang)... Xét theo yếu tố địa hình - văn hóa: Đồi F có cảnh quan đẹp, cao chừng 30 m so mặt đường Hoàng Văn Thái, độ dốc thoai thoải, gồm những chùm đồi gối nhau theo hướng bắc - nam. Đứng trên đồi F, tầm nhìn du khách được mở rộng về bốn phía TP Điện Biên Phủ.

Giờ đây, sau 68 năm giải phóng, các thế hệ người Điện Biên đã và đang sánh vai nhau trên con đường dựng xây và phát triển. Đồng bào càng nhớ ơn những người con thân yêu đã hiến dâng xương máu, vì Điện Biên và vì đất nước Việt Nam tươi đẹp.