Theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn

Sau khi bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS, TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam được công bố, Thời Nay đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp đồng tình, ủng hộ đánh giá tích cực từ đông đảo người dân, các chuyên gia nước ngoài, trí thức Việt kiều. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn

Khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Người vẫn trăn trở làm sao để giành độc lập cho dân tộc và làm sao để dân tộc ta giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó chính là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, kiên định, kiên trì theo đuổi và thực tế thời gian qua đã chứng minh sự lựa chọn sáng suốt đó.

Kể từ ngày đấy đến nay, chúng ta đã đi được một chặng đường dài. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập từ năm 1930 đã dẫn dắt dân tộc ta vượt qua bao thác ghềnh, trải qua hai cuộc kháng chiến giành được độc lập, tự do cho dân tộc. Ra khỏi hai cuộc chiến tranh, chúng ta lại đứng trước một thử thách mới là làm sao để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm sao để xây dựng một đất nước đáng sống, nơi mà mọi người dân được học hành, được quan tâm chăm sóc, được hạnh phúc. 

Vậy thì việc xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh cũng chính là mục tiêu của việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) trên cơ sở CNXH khoa học, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết trong bài. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, việc xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển có tầm ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của một đất nước. 

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự lựa chọn đúng đắn khi kiên định đi theo con đường xây dựng CNXH. Tùy từng thời kỳ, chúng ta đã vận dụng sáng tạo những hình thức và bước đi khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng vẫn không quên mục tiêu tối thượng là xây dựng xã hội XHCN. Tuy nhiên, mỗi một thời kỳ phát triển ở trình độ khác nhau đòi hỏi chúng ta phải có sự suy nghĩ, lựa chọn và điều chỉnh phù hợp mục tiêu đặt ra.

Thực tế của Việt Nam đã chứng minh rằng, việc xây dựng CNXH hoàn toàn không mâu thuẫn với sự phát triển của đất nước, mà trái lại, sự phát triển của xã hội theo định hướng XHCN đã mang lại những thành công đáng kể, như việc giảm tỷ lệ nghèo ở Việt Nam một cách ngoạn mục (tính đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn khoảng 2,75%) ; dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức 100 tỷ USD; chế độ an sinh xã hội đã được cải thiện rõ rệt với việc người nghèo được tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế thông qua đóng góp bảo hiểm xã hội; việc học tập của trẻ em được phổ cập toàn xã hội, ngay cả ở vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã trở thành một đất nước tin cậy, đóng vai trò ngày càng lớn trong cộng đồng quốc tế. Kinh tế Việt Nam đã từng bước trở thành một nền  kinh tế nằm trong dòng chảy của nền kinh tế thế giới từ Âu sang Á, từ châu Mỹ đến ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản...

Nhưng hơn thế, chất lượng đời sống người dân đã được cải thiện rõ rệt. Chúng ta đã xây dựng được một xã hội mà người dân đoàn kết, đồng lòng theo Đảng. Trong những lúc khó khăn hiện nay, khi dịch Covid-19 đang nóng bỏng hơn bao giờ hết thì tinh thần đoàn kết, đồng lòng triệu người như một, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã là một hình ảnh rõ nét nhất về một xã hội Việt Nam kiên quyết chống dịch nhưng thắm đượm nhân ái, tình người. Đấy là minh chứng tuyệt đẹp của một xã hội nhân văn mà chúng ta hướng đến, là mục tiêu của xã hội XHCN của Việt Nam hiện nay và mai sau.

TS VÕ TOÀN TRUNG (từ Pháp)

Hướng tới một xã hội tiến bộ, nhân văn

Từ Đại hội VI đến Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn và thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng hoàn thiện và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của sự lựa chọn đó. Từ một nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Nhờ chủ trương của Đảng về tiến hành xây dựng CNXH, kiều bào được coi là một trong những nguồn lực quan trọng xây dựng và phát triển đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với lòng tin cậy của kiều bào, kiều hối không ngừng tăng. Hiện nay, có khoảng bốn triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và có những đóng góp quan trọng cho đất nước. 

Tôi rất tâm đắc và ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị. 

Có thể thấy rõ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện quyết tâm giải quyết những nguy cơ như tham nhũng, quan liêu, thoái hóa... nhằm củng cố lòng tin của dân tộc và kiều bào ở hải ngoại. Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua cũng thể hiện nỗ lực lớn lao của Đảng trong việc củng cố hệ thống chính trị, nhất là uy tín của Đảng và Nhà nước. 

Phát triển xã hội và kinh tế bền vững là mục tiêu được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam, cũng chính là điều kiện vô cùng quan trọng để bảo vệ Tổ quốc. Tôi nhận thấy quan điểm rất sáng suốt của Đảng, đó là chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định đường lối xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đó là sự lựa chọn sáng suốt, hướng tới những mục tiêu tốt đẹp của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và cũng chính là ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

NGUYỄN THANH TÒNG (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp)

Tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tiến về phía trước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy mình không chỉ là nhà hoạt động chính trị thực tiễn đơn thuần, lãnh đạo tiến trình xây dựng XHCN tại Việt Nam, mà còn là một nhà lý luận đầy kinh nghiệm. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết chặng đường Việt Nam đã đi qua. Bài viết không dài, song đã khái quát một cách rõ ràng, cô đọng chặng đường phát triển của Việt Nam, kèm những nhận định, kết luận sắc sảo, súc tích. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở rộng định nghĩa về CNXH; nhấn mạnh CNXH bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời trình bày một cách rõ ràng và súc tích về sự liên quan chặt chẽ giữa CNXH và công bằng xã hội.

Bài viết cũng nhấn mạnh về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước đạt được những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có thể thấy rõ sự thay đổi của “dải đất hình chữ S” trong mấy chục năm trở lại đây. Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn và quan trọng nhất là đời sống người dân liên tục được nâng cao. Những mục tiêu tiếp theo về tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang được triển khai một cách tích cực.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp. Trong bối cảnh vai trò và vị thế của Việt Nam trên thế giới được nâng cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật những thành quả quan trọng và tổng kết kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước, từ đó truyền lại những bài học quý báu cho các thế hệ sau. Nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam là xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, sự đồng lòng của cả dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như giữ gìn tiến trình tiến bộ, bản sắc văn hóa dân tộc. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ sở của mọi thành công.

Nếu Việt Nam có thể giữ vững và phát huy các xu hướng hiện tại, thế hệ lãnh đạo mới tiếp thu các quan điểm nổi bật được nêu trong bài viết, tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục tiến về phía trước.

GS, TS DMITRY MOSYAKOV - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông - Nam Á, Australia và châu Đại Dương (Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga)