Tạo điều kiện giúp kiều bào xây dựng quê hương

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều tiềm năng và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn được tạo điều kiện để góp sức xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, cần có những cơ chế mạnh hơn để thu hút, tập hợp rộng rãi, phát huy nguồn lực của cộng đồng phục vụ phát triển đất nước.

Lễ khai trương Diễn đàn Invesfov.
Lễ khai trương Diễn đàn Invesfov.

Nguồn lực lớn chưa phát huy hết

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người, sinh sống, làm việc, học tập trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là tại các nước phát triển. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết, theo phản ánh, kiều bào vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư do chưa nắm rõ chủ trương, chính sách, thiếu thông tin về cơ hội, dự án tiềm năng cũng như gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nguồn kiều hối có tác động lớn trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường. “Một nghiên cứu so sánh lượng kiều hối đưa về Việt Nam hằng năm với lượng vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn 1991-2014 cho thấy, mức vốn của hai loại vốn này đạt mức tương tự nhau với chênh lệch không quá lớn. Trong khi lượng kiều hối gửi về nước là 92 tỷ USD thì nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện là 98,5 tỷ USD. Các năm tiếp theo vẫn ở mức tương đương như vậy, cho thấy giá trị kiều hối của bà con người Việt ở nước ngoài gửi về hằng năm là rất lớn, là nguồn vốn có thực”, ông Thắng phân tích.

Song, theo TS Phan Hữu Thắng, tác động và vai  trò của kiều hối đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam vai trò của kiều hối chưa được chú trọng đúng mức. Do vậy, Việt Nam cần lưu ý có các giải pháp thiết thực hơn để thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nguồn kiều hối Việt Nam còn thiếu liên kết, gửi về giúp người thân trong nước là chủ yếu. 

“Tuy hiện có một số dự án của bà con người Việt ở nước ngoài đầu tư về nước nhưng nhìn chung quy mô dự án còn nhỏ. Các dự án của bà con đã có dấu ấn tại các địa phương đầu tư song chưa nổi bật trên quy mô cả nước. Số bà con muốn đầu tư về nước với số vốn nhỏ cũng lúng túng với thực tiễn về công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quản lý đầu tư với nguồn kiều hối”, TS Phan Hữu Thắng nói thêm. 

Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cũng cho hay, một bộ phận cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung khi đời sống tương đối ổn định, ít nhiều có tích lũy vốn muốn dùng vốn đó đầu tư về Việt Nam tìm kiếm lợi nhuận. Song, với số vốn ít ỏi đó, nếu không có sự tập hợp, bản thân họ không thể tiến hành các dự án mà chỉ có thể mua một vài mảnh đất, đợi tăng giá để kiếm lợi nhuận. Việc kiếm lợi nhuận này không tạo ra sản phẩm cho xã hội, không tạo ra công ăn việc làm. Ông Thắng đúc rút, điểm mấu chốt khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư về nước không thành công là do đối tác hợp tác tại Việt Nam không đủ tin cậy. Đặc biệt, họ không có thông tin về các dự án một cách đầy đủ, chưa nắm được hết các quy định của luật pháp Việt Nam về đầu tư. 

Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, bà Mã Thị Kim Đào, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam Sơn dẫn số liệu thống kê cho hay, năm 2021, dù trong điều kiện đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu, nhưng ước tính tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam khoảng hơn 18 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bà Đào, nguồn tài chính này chưa phát huy hết hiệu quả; hàng tỷ USD được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhưng chưa “đúng chỗ”, hiệu quả đầu tư chưa đạt được kết quả mong muốn và đặc biệt, còn một số nhà đầu tư chưa thật sự hài lòng. 

Theo nữ doanh nhân, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đầu tư còn thấp là do hoạt động xúc tiến đầu tư đối với bà con người Việt ở nước ngoài chưa được đẩy mạnh, thông tin hai chiều chưa thông suốt và thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam làm ăn có hiệu quả nhưng hạn chế  về vốn, họ chưa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, trong khi đó, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư về Việt Nam lại thiếu thông tin cần thiết cho các quyết định đầu tư.

Tạo điều kiện giúp kiều bào xây dựng quê hương -0
Đại sứ Nguyễn Phú Bình (bên phải) gặp mặt kiều bào tại lễ khai trương Invesfov. 

Cầu nối xúc tiến đầu tư

Trên cơ sở nhận diện được tình hình, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc của bà con người Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư về nước, ngày 14/1 vừa qua, tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (Alov) tổ chức khai trương Diễn đàn Hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài (Invesfov). 

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Alov, Chủ tịch Invesfov khẳng định, việc khai trương Invesfov thể hiện quyết tâm của của Alov nhằm hiện thực hóa tinh thần và nội dung của Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị trong việc khuyến khích và động viên đồng bào ta ở nước ngoài gắn bó với quê hương, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước trên tinh thần “ích nước, lợi nhà”. 

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sáng kiến thành lập Invesfov với các mục tiêu hỗ trợ kiều bào đẩy mạnh và mở rộng quy mô đầu tư về quê hương, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Theo ông, đây là việc làm là thiết thực, phù hợp các yêu cầu phát triển của đất nước thời gian tới, trong đó có yêu cầu cần đa dạng hóa dòng vốn, dòng tiền tài chính, đáp ứng kịp thời các nhu cầu lớn về vốn dành cho các dự án, chương trình kích thích kinh tế, mở rộng sản xuất. Thứ trưởng Ngoại giao tin tưởng, dòng tiền tài chính của người Việt sẽ góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự lập, tự cường. 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Công ty Minh Trân, Chủ tịch Mạng Kết nối phát triển Nhật Bản-Việt Nam (JAVINET), nhận định kết quả hoạt động của Diễn đàn phụ thuộc vào quyết tâm cùng chung tay góp sức của Nhà nước, doanh nghiệp, trí thức và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Góp ý về hoạt động của Invesfov, Chủ tịch JAVINET khuyến nghị Diễn đàn nên tập trung giải quyết những khó khăn tồn đọng của cộng đồng đã đầu tư về Việt Nam trong ba thập niên qua, nhất là vấn đề pháp lý, xây dựng niềm tin và kết nối với những thế hệ về sau tin tưởng, cùng xây dựng phát triển đất nước.

Bà Mã Thị Kim Đào cũng bày tỏ mong muốn thông qua Diễn đàn để đưa thông tin hai chiều, đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài và nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, thông tin mà người Việt Nam ở nước ngoài cần bao gồm nhóm thông tin về kinh tế-xã hội của đất nước, chính sách, pháp luật nhà nước về đầu tư; nhóm thông tin cụ thể về các chương trình, dự án như chủ đầu tư, địa điểm, mục tiêu, quy mô, tiến độ, nhu cầu công nghệ, tổng mức đầu tư, phương án kinh doanh, đánh giá hiệu quả đầu tư...) và nhóm nhu cầu cụ thể của chủ đầu tư về hợp tác đầu tư tài chính.