THÍCH ỨNG LINH HOẠT, AN TOÀN VỚI COVID-19

Suy nghĩ về thế giới hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 như một cú sốc, trước hết về mặt nhận thức.

Hầu hết chúng ta đều nhận thức rằng, so thời kỳ dịch đậu mùa hoành hành, đại dịch cúm Tây Ban Nha tàn sát cả trăm triệu người, thế giới đã giàu lên, hiểu biết hơn, khôn ngoan hơn, liên kết hơn… Vì vậy mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đại dịch Covid-19 cho thấy những khiếm khuyết nghiêm trọng trong hệ thống mỗi quốc gia và cả thế giới. Với mức độ lây lan khá mạnh và tỷ lệ tử vong không cao, đại dịch Covid-19 vẫn giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế thế giới, qua đó ảnh hưởng dữ dội đến chính trị, văn hóa, đời sống xã hội của từng quốc gia, mỗi cộng đồng.

Công nghệ sinh học sẽ là một trong những chìa khóa mở ra tương lai. Ảnh: HẢI NAM
Công nghệ sinh học sẽ là một trong những chìa khóa mở ra tương lai. Ảnh: HẢI NAM

Khó có thể tưởng tượng rằng một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, sản xuất được cả máy bay hiện đại như Ấn Độ lại lâm vào tình trạng thiếu bình oxy kéo dài, không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Khó có thể tưởng tượng được siêu cường số một thế giới như Mỹ lại có thể thiếu từ máy thở đến khẩu trang suốt một thời gian dài.

Phải đau đớn nhận ra một thực tế đáng lo lắng rằng, một thế giới hiện đại với tàu sân bay, tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân, một thế giới ngày càng trở nên tiện nghi, hàng hóa, chăm sóc từng sở thích nhỏ nhặt nhất nhưng cũng có thể mong manh, yếu đuối đến mức không thể bảo đảm nhu cầu căn bản nhất: an toàn sức khỏe.

Nhiều chuyên gia công nghệ sinh học và dịch tễ học thống nhất quan điểm rằng: Chu kỳ bùng phát đại dịch ngày càng ngắn lại. Có ít nhất ba lý do: môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng; mật độ dân cư ngày càng cao; hệ thống miễn dịch trong con người suy giảm với tốc độ ngày càng cao. Cần nói rõ thêm rằng, chăm sóc y tế và an ninh lương thực càng bảo đảm thì tính chọn lọc tự nhiên trong xã hội loài người ngày càng giảm. 

Ô nhiễm môi trường càng tăng cũng là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm hệ miễn dịch. Nguy cơ bệnh dịch tăng cao, con người dễ nhiễm bệnh tật hơn. Vì vậy, chu kỳ bùng phát đại dịch ngày càng ngắn lại. Một số tính toán bi quan cho rằng, thậm chí chỉ 10 năm có thể bùng phát một đại dịch.

Trước những nguy cơ hiện hữu, việc xây dựng một thế giới mới có thể đối phó hiệu quả với những thách thức của đại dịch tương lai cần phải bắt đầu ngay trong quá trình phục hồi sản xuất theo định hướng mới. Các chuỗi sản xuất cần phải tổ chức theo những liên kết đa phương, đa dạng hoặc liên kết song song, tránh bị đứt gãy khi xảy ra đại dịch. Các nền kinh tế, các quốc gia cần phải tổ chức cân đối hài hòa hơn giữa sản xuất, dịch vụ tiêu dùng và chi tiêu quốc phòng với hệ thống bảo đảm an toàn sức khỏe.

Người ta vẫn thường nói, khi có sức khỏe thì cần mọi thứ như tiền bạc, quyền lực, danh vọng… Khi không có sức khỏe thì chỉ cần mỗi sức khỏe. Đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định điều đó. Chắc chắn mức đầu tư vào công nghệ sinh học sẽ tăng vọt trong thời gian tới làm nền tảng cho sự phát triển của y học nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe. Hơn 20 năm trước, chúng ta đã được nghe nói rằng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học sẽ là chìa khóa quyết định tương lai. Cho đến nay, công nghệ thông tin có những bước phát triển vũ bão, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thế giới, dĩ nhiên là với mức đầu tư tương xứng. Rất tiếc, công nghệ sinh học không được hưởng mức đầu tư và theo đó là sự phát triển phù hợp. Thế giới đã phải trả giá đắt cho điều đó.

Thế giới hậu Covid-19 cũng đặt ra những thách thức với các đại đô thị. Có đến 95% bệnh nhân Covid-19 trên thế giới là cư dân đô thị, chủ yếu là các đại đô thị với mật độ dân cư cao và môi trường ô nhiễm. Có thể nói, các đại đô thị luôn chịu sự tàn phá lớn nhất trong các đại dịch truyền nhiễm. Khi internet bắt đầu trở nên phổ biến, đã có những dự báo lạc quan rằng thời đại của các đại đô thị đã chấm dứt. 

Thế giới ngày càng kết nối mạnh mẽ, ngày càng phẳng… Việc tụ tập để làm việc, hưởng thụ trong các đại đô thị trở nên không cần thiết, bởi người ta có thể làm việc cùng nhau từ khắp mọi nơi trên thế giới nhờ internet. Tuy nhiên, internet phát triển mạnh mẽ và các đại đô thị khắp thế giới vẫn phát triển không ngừng. Có lẽ internet chỉ mới là điều kiện đủ.

Đại dịch Covid-19 và nguy cơ những đại dịch tương lai rất có thể sẽ là điều kiện cần để kết thúc thời kỳ bùng nổ của các đại đô thị. Thay vào đó, con người sẽ ưu tiên môi trường sống xanh, mật độ dân cư không cao kết nối mạnh mẽ với các đại đô thị xanh khác bằng các tuyến cao tốc và hệ thống viễn thông.

Như Thủ đô Hà Nội của chúng ta: Sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008, đã giúp kéo giãn phát triển đô thị cho Hà Nội. Theo đó, Thủ đô đã dự kiến được quy hoạch về phía đầu Hòa Lạc của Đại lộ Thăng Long kéo lên tận sườn núi Ba Vì, để lại nội thành Hà Nội cũ làm trung tâm kinh tế, văn hóa.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng mạnh bạo này chưa được thực hiện. Thay vào đó, trung tâm hành chính của Thủ đô Hà Nội sẽ được chuyển lên phía tây hồ Tây, như một phép trung bình cộng giữa ý tưởng mới và cái cũ. Biết đâu đấy, đại dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi những quyết định trong hoạch định chính sách?

Đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát và sẽ qua đỉnh. Thế giới đã thay đổi và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vào những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta sẽ phải thích ứng với thế giới mới ấy ngay từ những bước đầu phục hồi sản xuất từ ngày hôm nay.