Những “đại sứ” đối ngoại văn hóa

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Rất nhiều người Việt ở nước ngoài đang hằng ngày nghiên cứu, làm việc, học tập… đồng thời còn là “đại sứ” đối  ngoại văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước sở tại, lan tỏa những giá trị độc đáo của Việt Nam đi khắp năm châu.  

Hình ảnh áo dài trong Lễ diễu hành ở Lyon (Pháp). Ảnh: NDDT
Hình ảnh áo dài trong Lễ diễu hành ở Lyon (Pháp). Ảnh: NDDT

Ngôn ngữ bắc cầu cho văn hóa

Trần Thiện Quang là nghiên cứu sinh TS ngành thương mại, Đại học Hannam (Hàn Quốc), Ủy viên Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong hơn 10 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Quang đã có hơn hai năm tham gia dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc tại Trung tâm Hỗ trợ người nước ngoài tại thành phố Daejeon. Quang kể, việc tham gia dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc của em trước hết xuất phát từ mong muốn giải đáp những thắc mắc của họ về Việt Nam. “Có nhiều người Hàn Quốc rất hiểu Việt Nam nhưng họ luôn muốn biết thêm nhiều hơn nữa về Việt Nam chúng ta. 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người chưa đến Việt Nam và cũng không biết nhiều điều về nước ta. Họ có những câu hỏi mà người Việt Nam chúng ta nghe lại rất bất ngờ như “Ở Việt Nam có máy lạnh không?”, “Ở Việt Nam có tivi không?”… Em hiểu thắc mắc đó là do họ chưa có nhiều cơ hội được đến Việt Nam, được tiếp xúc với các thông tin tại Việt Nam”, Trần Thiện Quang nói. Do đó, Quang quyết tâm phải bằng mọi cách có thể để giải đáp được những câu hỏi của những người bạn, giới thiệu đúng về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với người Hàn Quốc. 

Dù chưa từng có kinh nghiệm giảng dạy nhưng với sự sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với sự thôi thúc của mong muốn giới thiệu văn hóa, xã hội của Việt Nam đến với con người Hàn Quốc, Trần Thiện Quang dần nhận được sự công nhận của các học viên. Để đạt được điều đó, trong lớp học, ngoài những buổi học về từ vựng, ngữ pháp thuần túy, Quang luôn cố gắng xây dựng thêm các bài giảng về tìm hiểu văn hóa Việt Nam, về địa lý, lịch sử hình thành đất nước. Việc này, theo em, vừa giúp cho lớp học bớt nhàm chán hơn, vừa tạo cơ hội để em có thể trao đổi, lắng nghe thêm được nhiều ý kiến và hiểu biết của người Hàn Quốc về Việt Nam. 

Khắp nơi trên thế giới, nơi đâu cũng có những thầy, cô chuyên hoặc không chuyên, đang giành hết tâm huyết để dạy tiếng Việt cho con em kiều bào ở nước ngoài. 

“Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố”

Với bà con kiều bào sống xa quê hương, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam luôn in đậm trong tâm trí với niềm tự hào “quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu”. Thế nên, “dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa”, các đại sứ quán cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức rất nhiều hoạt động tôn vinh tà áo dài - vẻ đẹp Việt Nam. Hoặc cuộc thi “Hoa hậu áo dài phu nhân châu Âu” được tổ chức nhiều năm qua, đã tôn vinh và quảng bá hình ảnh người phụ nữ với tà áo dài Việt Nam, đồng thời qua đó tăng cường gắn kết cộng đồng và lan tỏa văn hóa Việt Nam tới bè bạn quốc tế.

Năm nay, cuộc thi cùng với màn trình diễn áo dài cổ của Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/7 tại thành phố Dresden (Đức). Bà Nguyễn Việt Triều, Ủy viên Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu đã nhiều năm liền trong Ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ: “Thông qua cuộc thi cũng nhằm khuyến khích thế hệ trẻ người Việt sống ở nước ngoài thêm hiểu, thêm yêu tà áo dài truyền thống của dân tộc, đồng thời hướng về quê hương đất nước. Chúng tôi luôn mong muốn thúc đẩy trách nhiệm của cộng đồng người Việt trong việc gìn giữ, tôn vinh văn hóa truyền thống; và thông qua đó kết nối để cùng nhau chung tay góp sức, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn ở quê nhà cũng như tại các nước sở tại ở châu Âu”.

Cũng với tinh thần đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn và giới thiệu áo dài đến bạn bè ở Ấn Độ. Dịp Tết cổ truyền, Đại sứ cùng các nhân viên sứ quán cùng mặc áo dài để chúc Tết và tiếp đón khách quý. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu là người có nhiều năm kinh nghiệm làm đối ngoại văn hóa, ông đã mặc áo dài nam trong các nghi lễ và sự kiện tổ chức ở sứ quán. Với ông, trang phục chính là yếu tố đầu tiên đối với nhà ngoại giao để tạo nên bản sắc riêng và cũng là cách biểu đạt “tâm hồn quê hương” ra với thế giới. 

Còn nhớ, vào năm 2019, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Hội phu nhân ASEAN tổ chức chương trình “Nét đẹp Áo dài Việt Nam tại Ấn Độ”. Qua đó, các tiết mục trình diễn trang phục áo dài nam, nữ truyền thống do cán bộ, nhân viên và phu quân, phu nhân của Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán thể hiện, đã tạo nhiều ấn tượng và cuốn hút người xem. 

Những “đại sứ” đặc biệt

Ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho hay, từ trước đến nay, hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất chú trọng và đạt được hiệu quả thiết thực. Cùng những bước phát triển vững mạnh của cộng đồng, với sự cải thiện và tăng cường quan hệ hợp tác song phương của nước ta với các nước sở tại, với sự quan tâm, hậu thuẫn và hợp tác của các cơ quan, địa phương ở trong nước và của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của ta ở nước ngoài, hoạt động này càng thêm sôi động và đa dạng.

Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, có tính nhân văn cao và được bạn bè quốc tế yêu mến, tiếp nhận. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để bà con giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ông Dũng cho rằng, với những hiểu biết về Việt Nam và sở tại, bà con kiều bào đã làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới. Nhờ đó, bà con luôn đạt được kết quả và hiệu ứng thiết thực trong những hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, ông Mai Phan Dũng cũng nhận định, vẫn có không ít khó khăn đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công việc này, như bà con sinh sống phân tán chứ không tập trung ở các khu vực trung tâm, tiềm lực tài chính cũng có hạn chế nhất định… “Một khó khăn khác đặt ra là nguy cơ mai một về văn hóa khi bà con, nhất là giới trẻ chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa sở tại trong cuộc sống hằng ngày. Điều này thể hiện khá rõ trong vấn đề ngôn ngữ khi có nhiều em không còn nói hoặc nói chưa tốt tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Việt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay.

Vượt qua những khó khăn, cùng với sự coi trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài dành tâm sức cho công việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, với việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay với khoảng 5,3 triệu người ở hơn 130 nước và vùng lãnh thổ có cuộc sống ngày càng ổn định, hòa nhập và phát triển, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.