HƯỞNG ỨNG HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC

Nhận rõ hơn sức mạnh văn hóa

Ngày 24/11, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gần 600 đại biểu đã tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu trên cả nước.

Giáo dục văn hóa lịch sử cho tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ mang tầm chiến lược.
Giáo dục văn hóa lịch sử cho tầng lớp nhân dân là nhiệm vụ mang tầm chiến lược.

Cần nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa

Hội nghị do Bộ Chính trị. Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp thực hiện mang nhiều ý nghĩa to lớn: Kỷ niệm 75 năm Ngày diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 24/11/1946; khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để tập trung phát triển đất nước nhanh và bền vững; triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. 

Hội nghị tập trung vào nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh việc đánh giá kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hội nghị là diễn đàn để lắng nghe tiếng nói của những người làm văn hóa, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần đổi mới chính sách đãi ngộ cán bộ, sử dụng đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, tôn vinh các tài năng và cống hiến của họ cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. 

Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. 

Nhận định về những bất cập tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Hạn chế yếu kém nổi bật được nhắc đi nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng về chức năng giải trí. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ, chúng ta đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đó cũng chính là động lực tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước. 

Nhận rõ hơn sức mạnh văn hóa -0
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành văn hóa. 

Chú trọng nguồn lực văn học nghệ thuật

Tham gia góp ý kiến tại hội nghị có nhiều ý kiến thiết thực của các đại biểu. GS, TS Vũ Minh Giang cho rằng, để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản văn hóa như những tài nguyên, giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, trong đó đặc biệt là giới trẻ. GS cũng nhấn mạnh, văn hóa phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. 

Thay mặt đội ngũ nghệ sĩ thực hành văn hóa, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chỉ ra những hạn chế cần thừa nhận như đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật trẻ giỏi nghề vẫn thiếu vắng và đang bị đứt gãy về sự kế tục. Cơ chế chính sách chưa đáp ứng được cho hoạt động sáng tác. Công nghiệp văn hóa hiện nay đang đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế tri thức, tuy nhiên, nền văn nghệ còn xa lạ với cách mạng công nghiệp 4.0. 

Nhận rõ hơn sức mạnh văn hóa -0
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc giới thiệu nhiều tác phẩm đương đại tới công chúng.  

Bà Trịnh Thúy Mùi kêu gọi Nhà nước đầu tư và kêu gọi đầu tư cho “Quỹ hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật” để đặt hàng sáng tác cho cả các đơn vị công lập và ngoài công lập, tạo sự công bằng bình đẳng, nhằm tạo điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa nghệ thuật… Cùng với đó, chú trọng về chế độ, chính sách, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực văn hóa và đào tạo lớp khán giả mới. 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc được kỳ vọng là một dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ của cả nước quán triệt sâu sắc toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chủ trương quan điểm của Đảng. Đặc biệt là quan điểm của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

8 MỤC TIÊU CỤ THỂ TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030

1. 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa.

2. Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo; khoảng 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất năm di sản được UNESCO ghi danh theo các công ước của UNESCO.

3. Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

4. Bảo đảm 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa.

5. Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; hai tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa-nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930-2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng.

6. Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật.

7. Phấn đấu gia tăng giá trị đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo; Phấn đấu có từ một đến ba thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

8. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách/năm.