BÀI VIẾT THAM DỰ CUỘC THI“HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH” GIAI ĐOẠN 2022-2025

Nhà sư lan tỏa nghĩa đồng bào

Vì ngưỡng mộ ông Tư Bốn (Trung tướng Nguyễn Việt Thành) với chiến công trong vụ án Năm Cam, một chàng trai ở tỉnh Bến Tre xin được làm con nuôi của ông. Người con nuôi ấy đã đi tu trên chính quê hương của cha nuôi (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), hết lòng phụng sự đức Phật và hướng về cội nguồn, toàn tâm toàn ý cho các hoạt động thiện nguyện và được tuyên dương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đại đức cùng các phật tử tổ chức phóng sinh cá nhân dịp Phật đản.
Đại đức cùng các phật tử tổ chức phóng sinh cá nhân dịp Phật đản.

Nghĩa tình bên sông Hàm Luông

Trung tướng Nguyễn Việt Thành nhớ lại, sau khi triệt phá thành công vụ án Năm Cam, trong một chuyến đi công tác mấy ngày ở tỉnh Bến Tre, ông được địa phương bố trí nghỉ ở một khách sạn bên sông Hàm Luông, TP Bến Tre. Buổi sáng, ông xuống sảnh khách sạn ăn sáng, uống cà-phê rồi đi làm việc. Bằng cặp mắt nghề nghiệp, ông Tư Bốn không khó để nhận ra có một người ngồi ở góc khuất theo dõi ông. Sáng hôm sau, ông Tư Bốn lại xuống sảnh khách sạn ăn sáng và cũng nhận ra chính người trai hôm qua đang ngồi ở góc khuất quan sát ông. 

Ông Tư Bốn chủ động tiến đến bàn nơi chàng trai đang ngồi và tươi cười mở lời: “Hình như anh muốn gặp tôi có chuyện gì phải không?”. Chàng trai có hơi lúng túng, nhưng cũng đứng dậy chắp tay trước ngực, lễ phép thưa: “Thưa bác Tư, con ngưỡng mộ bác từ lâu, nay tình cờ thấy bác về quê con nên con ngồi chờ chiêm ngưỡng bác… Nếu bác cho phép, con xin phép trình bày với bác một chuyện và xin ở bác một lời khuyên”. Ông Tư Bốn nghĩ, chắc là những chuyện khiếu kiện về đất đai hoặc phàn nàn chính quyền địa phương chuyện gì đó như ông đã từng gặp đó đây, vì vậy mà ông thật sự bất ngờ khi chàng trai nói: “Con muốn đi tu, không biết có nên không, nhờ bác Tư cho lời khuyên bởi con tin bác là người rất trầm tĩnh và sáng suốt trong mọi chuyện”. Rồi chàng trai kể, anh tên Ngô Phước Đại, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê huyện Châu Thành (Bến Tre). Do có ông bà là phật tử, ngay từ nhỏ, anh đã nghe tiếng chuông chùa ngân vang và gần gũi với những điều từ bi của đạo Phật. Càng lớn lên anh càng có ý muốn đi tu để làm việc thiện cho đời. Đang lúc phân vân, bất ngờ anh thấy ông Tư Bốn về công tác ở Bến Tre và muốn xin ông lời khuyên xác đáng nhất.

Ân cần nghe hết lời trình bày của chàng trai, ông Tư Bốn trầm ngâm một hồi rồi khuyên: “Cháu đã lớn. Cháu có quyền quyết định tương lai của cháu. Dù muốn làm bất cứ việc gì, nghề gì cháu cũng cần học hành đến nơi đến chốn và dù làm việc gì cũng phải có ích cho nước, cho dân. Cháu không được làm bất cứ điều gì hại nước, hại dân!”. Chàng trai cảm ơn lời khuyên của ông Tư Bốn. Trước khi chia tay, chàng trai còn đề nghị ông Tư Bốn cho anh được làm con nuôi của ông, nhưng ông Tư Bốn tế nhị từ chối vì hai người mới biết nhau, mà chuyện cha nuôi - con nuôi phải hết sức thâm tình!

Về nơi khó khăn xây chùa và làm việc thiện

Đại đức Thích Minh Phước (chàng trai Ngô Phước Đại mười mấy năm trước) nhớ lại, sau buổi gặp gỡ ấy với ông Tư Bốn, anh về tập trung học thật tốt chương trình THPT, rồi xin quy y vào một ngôi chùa ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Đồng thời anh đăng ký đi học chương trình trung cấp Phật học để nâng cao sự hiểu biết về đạo Phật. Vừa học, người tu sĩ có pháp danh Thích Minh Phước vừa tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhà chùa. Với cái tâm trong sáng, luôn hết lòng với những cảnh đời khó khăn, uy tín của đại đức Thích Minh Phước ngày càng tăng, được nhiều phật tử trong và ngoài tỉnh Tiền Giang biết đến và ủng hộ. 

Về phần ông Tư Bốn, lần gặp và trò chuyện với chàng trai trẻ ở Bến Tre đã để lại trong ông ấn tượng khó phai. Vì vậy mà sau này khi thấy chàng trai ấy đã trở thành đại đức với nhiều hoạt động thiện nguyện rất uy tín trên chính quê hương Tiền Giang của mình, ông Tư Bốn rất cảm động và thú vị. Cho đến một ngày, chàng trai trẻ năm nào (khi đã là đại đức Thích Minh Phước) bất ngờ đến huyện Chợ Gạo thăm ông Tư Bốn và đề nghị ông chính thức nhận anh làm con nuôi và ủng hộ anh về Chợ Gạo lập cơ sở tu hành. Ông Tư Bốn đã chấp nhận và khuyên đại đức Thích Minh Phước nên đến nơi nào xa xôi, hẻo lánh trong huyện, nơi chưa có chùa để lập cơ sở tu hành, vừa giúp phật tử có nơi tu tịnh, vừa giúp người nghèo địa phương, nhưng trên hết là thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Nghe lời khuyên của cha nuôi, đại đức Thích Minh Phước đã đến một trong những nơi xa xôi nhất, heo hút nhất của huyện Chợ Gạo thuộc ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, chọn một bãi bồi ven sông Tiền còn um tùm cây dại để xin chính quyền địa phương lập cơ sở tu hành. Đây cũng là nơi có nhiều đồng bào theo đạo Phật, nhưng không có ngôi chùa nào, người dân phải đi xa hoặc qua sông cách trở để lễ Phật vào những ngày rằm. Được địa phương ủng hộ, đại đức Thích Minh Phước đã vận động phật tử gần xa đóng góp kinh phí để xin mua lại đất của dân, rồi làm đường vào khu vực, bắt tay vào xây dựng cơ sở… Chẳng mấy chốc, vùng quê heo hút ấy đã có ngôi chùa khang trang, có đường cho xe ô-tô chạy vào, người dân nghèo có thêm sinh kế khi nhiều phật tử gần xa, khách du lịch đến viếng Niệm Phật đường Liên Hoa. 

Cũng từ lời khuyên của cha nuôi, con đường tu hành của đại đức Thích Minh Phước mang đậm tính nhân văn, hướng về cội nguồn dân  tộc, không ủng hộ các yếu tố mê tín. Ở nơi trang trọng nhất của nhà chùa, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đặt trang trọng bên cạnh các vị Phật khác. Trong chùa Liên Hoa không có cảnh “cúng sao”, “giải hạn” mà thay vào đó là các hoạt động hướng thiện, giúp con người yêu thương nhau hơn và sống chan hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường…  

Học tập gương Bác Hồ

Ngày 8/5 vừa qua, nhiều người dân huyện Chợ Gạo chứng kiến cảnh thú vị ở vàm Kỳ Hôn khi đại đức Thích Minh Phước trong bộ đồ tu cùng hàng trăm phật tử chuyển hàng tấn cá giống từ trên bờ thả xuống sông Tiền nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Những chú cá tươi roi rói quẫy mạnh đuôi bắn nước tung tóe trước khi hòa vào lòng sông lớn. Đây là hoạt động của chùa Liên Hoa thiết thực chào mừng ngày Phật đản và Ngày của Mẹ. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đại đức Thích Minh Phước tổ chức nhiều chuyến tặng quà Tết tại các địa phương ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tổng cộng 2.000 phần quà cho các hộ dân nghèo, gia đình nạn nhân của dịch Covid-19, với tổng trị giá 700 triệu đồng… Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, đại đức Thích Minh Phước đã tổ chức rất nhiều đợt trao quà cho người bán vé số, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, ủng hộ mua vaccine, tặng gạo, nhu yếu phẩm khu cách ly, khu phong tỏa... với tổng giá trị hơn 6,5 tỷ đồng. 

Đại đức Thích Minh Phước còn hướng tấm lòng thiện nguyện của phật tử đến đồng bào hoạn nạn trên cả nước, đi đến các tỉnh miền trung để thăm tặng quà cho người dân vùng ảnh hưởng của lũ lụt cuối năm 2020 với 1.000 phần quà trị giá 1 tỷ đồng; vận động xây tặng cho mỗi địa phương bị lũ lụt một công trình phúc lợi công cộng như cầu, trường học bị hư hại do bão lũ, mỗi công trình trị giá 200 triệu đồng; tổ chức thường xuyên bếp cơm từ thiện Liên  Hoa vào ngày mồng 1 và ngày rằm âm lịch hằng tháng, mỗi ngày 1.000 suất phát miễn phí cho người dân nghèo huyện Chợ Gạo. 

Theo lời khuyên của cha nuôi Tư Bốn, đại đức Thích Minh Phước hoạt động thiện nguyện theo hai nguyên tắc: Phải thông qua chính quyền địa phương nơi hỗ trợ và người chủ trì không trực tiếp quản lý tiền mà do một ban quản lý công khai, minh bạch. Đại đức chia sẻ, nhờ thông qua địa phương mà quà cứu trợ đến đúng đối tượng. Còn quỹ từ thiện được quản lý bởi tập thể phật tử bảo đảm tính minh bạch, khách quan, nâng cao uy tín nhà chùa. Theo thống kê của Tổ Quản lý quỹ từ thiện Niệm Phật đường Liên Hoa (nay là chùa Liên Hoa), từ khi khởi sự vào năm 2015 đến nay, đại đức Thích Minh Phước và Niệm Phật đường Liên Hoa đã trao từ thiện khoảng 100 tỷ đồng. 

Với những gì đã làm được cho quê hương Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cũng như cho cộng đồng nói chung, đại đức Thích Minh Phước đã vinh dự là một trong 15 người đầu tiên được Huyện ủy Chợ Gạo khen thưởng về thành tích xuất sắc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.