Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022)

Nghệ thuật chân chính để phục vụ nhân dân

Khi bàn về vai trò của văn hóa nghệ thuật, trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh” (1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Đây chính là sứ mệnh chính trị của nghệ thuật, đó là vì mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp “phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Nhấn mạnh tính giai cấp (tính đảng) của nghệ thuật, Người khẳng định: “Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết... Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị” (2).

Không dừng lại ở mục tiêu vì “lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”, Người còn định hướng cho sứ mệnh lớn lao của nghệ thuật phải vươn tới phục vụ tinh thần quốc tế và mang tầm quốc tế để phụng sự nhân loại. Vì vậy, trong bài viết Các đoàn văn công bạn, đăng trên Báo Nhân Dân, số 572, ngày 26/9/1955, Người viết: “Một điều nữa là: Nghệ thuật chân chính cốt để phục vụ nhân dân, đồng thời phục vụ tinh thần quốc tế” (3).

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú của mình, trong tác phẩm Mấy kinh nghiệm Trung Quốc mà chúng ta nên học, ở bài viết “Tri thức tư sản chỉnh phong” (một số bài được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết với bút danh Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân từ số 1571 ngày 1/7/1958 đến số 1624 ngày 23/8/1958), Người tổng kết và đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng nền nghệ thuật cách mạng đầy tính nhân văn:

“Sau những cuộc thảo luận sôi nổi, giới văn nghệ đã đi đến kết luận chung như sau: 

- Cho rằng sự phát triển của văn học, nghệ thuật là một quá trình hoàn toàn tự phát, không cần đến sự lãnh đạo của Đảng - đó là một tư tưởng sai lầm, nguy hiểm, nó có thể đưa văn nghệ xa rời nhân dân, thậm chí phản bội nhân dân.

- Văn nghệ phải nhận rõ trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và nhân dân, phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Phải học tập chủ nghĩa Mác - Lênin để vũ trang mình. Phải kiên quyết chống những khuynh hướng phản dân chủ, phản chủ nghĩa xã hội trong giới văn nghệ. 

- Phải hiểu rõ thời đại mới và đời sống cùng nguyện vọng của nhân dân. Tất cả các ngành văn học, nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, múa nhảy, tuồng hát, vẽ... phải quần chúng hóa và dân chủ hóa. 

- Văn nghệ phải xây dựng tác phong gian khổ, chất phác. Phải chống xa rời quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động. 

Sáng tác cũng phải “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. 

Nói tóm lại: giai cấp lao động cần phải làm chủ văn hóa, nếu không thì giai cấp tư sản sẽ giành quyền làm chủ. Nội dung của văn nghệ phải phong phú, hình thức phải tươi đẹp để phục vụ chính trị, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giữ gìn hòa bình thế giới” (4).

Là người yêu nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn vinh những nghệ sĩ say mê với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Với tư cách là Chủ tịch nước, Người là một trong những số ít nguyên thủ của một quốc gia viết thư chúc mừng sinh nhật Picátxô 80 tuổi. Trong Thư gửi họa sĩ Picátxô, tháng 8 năm 1961, viết bằng tiếng Pháp đăng trên tạp chí Phê bình mới (La nouvelle critique), số đặc biệt về Picátxô (11/1961) với những lời tốt đẹp nhất: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc. Tôi chúc đồng chí Picátxô luôn luôn mạnh khỏe và sống lâu để sáng tác nghệ thuật phụng sự chính nghĩa” (5). 

Người yêu cầu các văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật phải: “Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, v.v. Đó cũng là một trách nhiệm của các cán bộ văn nghệ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà” (6). Bởi vì, quần chúng luôn đòi hỏi được thưởng thức những tác phẩm xứng tầm dân tộc, xứng tầm thời đại. Bàn về yêu cầu cao này, trong Bài nói chuyện tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III, Người nhấn mạnh: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau... Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích. Quần chúng còn mong các đồng chí văn nghệ chú ý giùm hai điều nữa: Một là chớ mượn chữ Hán quá nhiều, thậm chí có khi “chữ Tạc vạc ra chữ Tộ”. Hai là khi viết phải cẩn thận hơn, tránh viết những câu kỳ khôi như “no cơm áo”, “cười thênh thênh”, v.v.” (7).

Đặc biệt hơn, Người chỉ ra nền tảng gốc để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cho các văn nghệ sĩ hoàn thành sứ mệnh của mình: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân” (8).

Chúng tôi xin được nhắc lại lời ghi ngày 7/6/1968, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách Người tốt, việc tốt, có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cho xem một tờ báo có hình vẽ ba cô du kích Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Nếu các chú không tin, các chú thử đem hỏi các cháu gái ở mấy thành phố này xem. Chắc các cháu sẽ bảo: Các chú vẽ ai chứ các cháu cầm súng đánh giặc, không bao giờ lại ăn mặc như thế! Bác không giỏi về mỹ thuật nên có thể không đánh giá đúng tranh vẽ của các chú. Nhưng Bác nghĩ rằng nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt” (9).

(1) (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.246.

(3) Sđd, tập 10, tr.149.

(4) Sđd, tập 11, tr.474.

(5) (6) (7) (8) Sđd, tập 13, tr.186; tr.392; tr.504-505; tr.505.

(9) Sđd, tập 15, tr.667.