KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG VŨ TRANG THỦ ĐÔ (19/10/1946 - 19/10/2021)

Đôi giầy

Cuối năm 1979, tôi cùng hơn 20 cán bộ thuộc trung đoàn 3, sư đoàn 309 (Mặt trận 479) ra miền bắc nhận quân bổ sung cho đơn vị. Nơi chúng tôi đến là một xã ven sông Đáy, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây trước kia.

Tiễn tân binh nhập ngũ. Ảnh: NG.NAM
Tiễn tân binh nhập ngũ. Ảnh: NG.NAM

1/Hồi đó, trụ sở ủy ban xã là một căn nhà cấp bốn lợp lá cọ khá chật chội, nên tôi và một anh nữa được cán bộ dẫn về nghỉ ở nhà dân trong xóm. Đây là một ngôi nhà ba gian, lợp ngói, nằm ẩn mình dưới lũy tre cao vút bên bờ sông. Nhà có hai chị em. Anh cán bộ xã cho biết: Cô chị có tên là Thìn - hiện là cán bộ phụ nữ thôn. Cậu em trai cô tên là Quân - là người có tên trong danh sách thanh niên xã nhập ngũ đợt này. 

Chúng tôi được biết cha, mẹ của hai chị em đều đã mất cách đây bảy, tám năm. Anh trai cả của gia đình hiện đang điều dưỡng ở trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành (Bắc Ninh). Anh ấy bị thương vào cột sống trong chiến dịch 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ngoài sáu sào ruộng khoán, gia đình sống chủ yếu bằng nghề đóng giầy, dép - một nghề truyền thống lâu đời của làng.

Một tuần trôi qua, sau khi hoàn tất các giấy tờ thủ tục, xã tổ chức giao quân. Buổi giao quân diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhưng cũng rất quyến luyến và cảm động giữa người đi và người ở lại. Thay mặt chị em phụ nữ thôn, Thìn có đôi lời chúc anh em lên đường mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao cho. Giọng của Thìn dịu dàng, mạch lạc, nhưng phần cuối thì đứt quãng, nghẹn lại. Tôi hiểu trong lời nhắn nhủ, căn dặn đối với những người ra đi, có phần cô dành cho đứa em trai mình đang đứng trong hàng quân.

Khi mọi người sắp xếp lên xe, Thìn tất tả đi đến đem theo hai đôi giầy, một đôi đưa cho Quân và một đôi đưa cho tôi. Thìn nói với tôi: “Quê nghèo chẳng có gì làm quà, em tặng anh đôi giầy tự tay em đóng, mong sao “chân cứng đá mềm”. Chúc hai anh em và mọi người lên đường mạnh khỏe, về đến đơn vị viết thư cho em”. 

Quả thực, đôi giầy cao cổ đóng bằng da bò mầu nâu nhạt rất đẹp, trông bề ngoài có cảm giác cứng, nhưng khi đi vào thì nó ôm lấy chân thật vừa vặn, êm và chắc chắn.

Đôi giầy -0
Trên đường hành quân. Ảnh tư liệu 

2/Quân là một quân nhân thông minh, nhanh nhẹn, luôn chấp hành nghiêm điều lệnh và quy định của đơn vị. Vì thế, sau đợt huấn luyện tân binh tập trung, tôi xin quân lực của trung đoàn điều Quân về làm liên lạc ở tiểu đoàn bộ - nơi tôi đang là tiểu đoàn trưởng.

Mùa khô năm 1980 - 1981, đơn vị chúng tôi hoạt động ở Tỉnh Bắc Đom Boong (Tây nam Campuchia), giáp biên giới Thái-lan, phối hợp với bạn truy quét tàn quân Khơ me đỏ. Qua một số trận, thấy Quân thật sự trưởng thành, tôi quyết định bố trí cậu ấy làm tiểu đội trưởng trinh sát của tiểu đoàn.

Một hôm tôi dẫn tiểu đội trinh sát của Quân đi điều nghiên những nơi nghi là vị trí ẩn nấp của bọn Pôn Pốt, nằm sát biên giới Thái-lan, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô sắp tới. Đây là khu rừng rậm nhiều tầng, địa hình bằng phẳng, với nhiều cây cổ thụ cao vút, cách biên giới Thái-lan chừng 200 m. Nơi đây, bọn tàn quân Pôn Pốt chọn làm nơi ẩn náu, bởi nếu có động, chúng chạy sang đất Thái-lan.

Sau khi giao cho Quân phân công anh em cảnh giới, tôi chọn một cây cao leo lên. Tôi tháo đôi giầy để gọn vào gốc cây. Leo lên đến chạc ba cây, tôi dừng lại. Vì cây khá cao nên ở vị trí này có thể quan sát thấy cả bên đất Thái. Tôi mở bản đồ ra rồi đặt la bàn lên, từ đó xác định tọa độ từng điểm khả nghi bọn Khơ me đỏ ẩn náu. Đang chú tâm quan sát thực địa, tôi bỗng nghe ba tiếng “bịp! bịp! bịp!” vang lên. Tôi hiểu đó là ám hiệu của trinh sát báo cho tôi: Có địch! Tôi nhẹ nhàng gấp tấm bản đồ cho vào cặp rồi im lặng nghe ngóng. Thoảng trong gió, tôi nghe có tiếng chân người đạp trên lá khô. Tôi nhìn xuống và không tin nổi mắt mình: gần chục tên lính Pôn Pốt bận đồ đen, tay lăm lăm tiểu liên đang sục sạo quanh gốc cây. Tôi rút quả lựu đạn US ở dây lưng cầm tay, ép sát người vào thân cây, trong đầu ngổn ngang bao ý nghĩ: Không lẽ bọn chúng không thấy đôi giầy của tôi ở gốc cây? Bởi nếu thấy chúng sẽ phát hiện ra tôi ở trên cây. Thời gian nặng nề trôi qua.

Bỗng loạt tiểu liên nổ chát chúa xen lẫn tiếng la hét loạn xạ phía bên phải cách tôi chừng năm chục mét. Rồi không gian đột ngột trở nên yên tĩnh đến lạnh người. Khoảng 10 phút sau, quan sát dưới đất không thấy gì, tôi khẽ khàng tụt xuống. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì không thấy đôi giầy của mình. “Bịp! Bịp!” - Hai tiếng kêu báo yên của trinh sát vang lên phía sau tôi. Và, Quân bật dậy sau bụi cây trước mặt, một tay cầm tiểu liên, một tay cầm đôi giầy lao về phía tôi:

- Anh có sao không? Chúng em lo cho anh quá! Bọn nó đến rất bí mật. May mà tổ trinh sát phía ngoài kịp phát hiện báo vào cho bọn em. Em chỉ kịp quơ vội đôi giầy của anh lùi về phía sau, rồi vòng sang phải nổ súng vào bọn chúng. Bị đánh bất ngờ, bọn chúng chạy tán loạn, bỏ lại hai xác chết ở bìa rừng.

- Anh em đâu cả rồi?

Tôi hỏi, lòng tôi lúc đó thầm cảm ơn Quân - người lính trinh sát thông minh và quả cảm! Nếu Quân không cầm đôi giầy, địch sẽ phát hiện ra tôi ở trên cây! Và khi ấy, tôi sẽ cầm chắc cái chết.

Những ngày tháng sau đó, tôi và Quân luôn gắn bó với nhau, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn suốt chiều dài của chiến dịch trên đất nước bạn. Đảng ủy và Chỉ huy tiểu đoàn chúng tôi đã thống nhất, kết thúc chiến dịch mùa khô này sẽ xem xét kết nạp Quân vào Đảng, rồi sau đó gửi cậu về nước đào tạo sĩ quan.

3/Nhưng sự nghiệt ngã trong chiến tranh không chừa một ai. Trong một trận chiến đấu bảo vệ an toàn đoàn xe vận tải của ta chở hàng lên phía trước giữa tiểu đội trinh sát do Quân chỉ huy với một đại đội lính Pôn Pốt, Quân đã bị thương rất nặng. Quân được đưa về tuyến sau cứu chữa nhưng không qua khỏi. Lúc đưa Quân lên xe cứu thương, nằm trên chiếc băng ca, băng trắng quấn đầy người, Quân nhìn tôi với đôi mắt thất thần. Rồi cậu ấy nắm lấy tay tôi, thều thào; đứt quãng: Anh… bảo trọng...! Đó là những giây phút cuối cùng tôi ở bên Quân.

Quân mất đi là sự mất mát rất lớn đối với tiểu đoàn chúng tôi. Riêng tôi, không chỉ là mất đi một chiến sĩ thông minh, gan góc, mà đó là một người em tôi vô cùng yêu quý - người đã cứu tôi thoát chết trong lần đi trinh sát. Trong chiếc ba-lô của Quân mà quân y đưa về cho đơn vị, có một cuốn nhật ký. Tôi không cầm được nước mắt khi đọc ở trang ba mươi hai (đề ngày 18 tháng 11 năm 1982 ở Bắc Đom Boong trước ngày Quân hy sinh hơn một tháng). Quân viết “Lâu nay mình vẫn có mong muốn, anh ấy sau này sẽ là anh rể mình để chăm sóc chị Thìn. Chị Thìn sẽ thật hạnh phúc nếu ở bên anh ấy. Khi nào có dịp mình sẽ nói với anh ấy…”.

Những ngày tháng sau đó, tiểu đoàn chúng tôi vẫn đều đặn nhận được thư của Thìn gửi cho Quân. Trong thư lần nào Thìn cũng gửi lời hỏi thăm tôi. Có lần cô còn hỏi đôi giầy của tôi đã hỏng chưa; nếu hỏng cô sẽ gửi vào đôi khác. Trong điều kiện và hoàn cảnh lúc đó, tôi không đủ can đảm và dũng khí để thông báo cho Thìn về sự hy sinh của Quân. Tôi dự định, khi nào về phép sẽ đến gặp Thìn, nói tất cả những gì cao đẹp và yêu quý về Quân để làm vơi đi nỗi đau mất mát của cô và gia đình. Nhưng, chiến dịch nối tiếp chiến dịch, mãi hai năm sau tôi mới được cấp trên cho nghỉ phép. Tôi dành hai ngày đạp xe về quê Quân. Vẫn ngôi nhà ấy, nhưng chủ nhà là một người khác. Bác chủ nhà cho hay: “Tôi mua nhà này của chị Thìn. Chị ấy về nhà chồng cách đây bảy tháng. Chồng chị ấy người Bắc Ninh. Chị ấy bảo rằng: quê anh ấy gần trại điều dưỡng thương binh nặng, nên vợ chồng chị ấy có điều kiện lui tới đó chăm sóc anh trai mình”.

Quân cũng được công nhận là liệt sĩ!

Chiến tranh đã lùi xa. Đôi giầy của tôi bây giờ cũng không còn nữa. Nhưng, những chuyện gắn liền với đôi giầy đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên trong binh nghiệp của tôi.

* (Theo lời kể của Trung tá Lê Duy Ngọc - nguyên cán bộ sư đoàn 309, Mặt trận 479; nguyên Tham mưu trưởng Quận đội Hai Bà Trưng - Hà Nội. Người ghi: Bùi Anh Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).