Đọc mấy dòng thơ, nhớ bạn xưa

Chúng ta vừa giã từ năm cũ 2021 và bước vào năm mới 2022 với nhiều xúc cảm. 

Nhớ lại hai câu thơ trong Bài ca xuân 61 của Tố Hữu cách đây đã 60 năm: 

       Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường

Cán bộ, chiến sĩ miền nam chia tay đồng bào, lên đường chuyển quân tập kết ra bắc. Ảnh tư liệu
Cán bộ, chiến sĩ miền nam chia tay đồng bào, lên đường chuyển quân tập kết ra bắc. Ảnh tư liệu

Tôi lần giở sách cũ ra đọc. Bỗng bắt gặp tập sách thơ (trường ca) Hồ Chí Minh sự thật truyền kỳ của tác giả Đào Anh Kha, người bạn từ thủa chúng tôi còn cùng làm Báo Nhân Dân. Tập trường ca ra đời năm 1991, cách đây đã 30 năm. Và anh bạn của tôi cũng đã đi vào cõi vĩnh hằng. 

Cố giáo sư Trường Lưu, Viện trưởng Viện Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cũng là bạn cũ của tôi ở Báo Nhân Dân, có viết lời giới thiệu tập trường ca như sau: “Qua 5 chương sách với gần 90 trang thơ cô đúc, tác giả bằng tiếng nói riêng của điệu tâm hồn và trái tim chân thực của mình, đã lồng cái mơ vào hiện thực và hiện thực cuộc đời của vĩ nhân đã chắp cánh cho sức tưởng tượng của nhà thơ. Nét độc đáo xuyên suốt trường ca, là cái thực và cái mơ đan xen một cách nhuần nhị, không gợn chút thần kỳ đến ảo hóa khi nhà thơ chỉ biết nhắm mắt ngợi ca, vừa phi lo-gic vừa mang tính vẽ vời như đôi trường hợp đã vấp phải trong số những bài thơ đã viết về Bác”. 

Tập trường ca gồm 5 chương, mỗi chương đều có tên riêng và mở đầu bằng mấy câu thơ dung dị:

Chương I: Thủa mất nước, tên Người là Ái Quốc. 

Mở đầu: 

Nhớ ngày Bác dứt ra đi 
Nước dâng đầy lệ non thì đứng trông
Trăm phương chuyển sóng về Đông,
Dấy phen Cách mạng tháo gông đất trời.

Và: 

Hồ Chí Minh-tên một người
từng đã quên mình dưới biết bao tên.
Quên ngày tắt hơi, có thể cả ngày sinh… 
Thuở ấy, như vầng dương xán lạn ánh bình minh 
Người đến cùng ta, ôi ngọt lành biết mấy! 

Chương II: Thuở hiên ngang tay nắm chính quyền

Người đã vì ta tên gọi “Chí Minh”.

Mở đầu: 

Bác về, rồng lại gặp mây 
Muôn chim gắn tổ, muôn cây tiếp rừng 
Cho ta muối lại chấm gừng 
Sâu tằm thoát kiếp, tưng bừng lượn bay. 

Và: 

Việt Bắc, căn cứ hồng, nơi Tổ quốc ta ơi 
Trăm hoa dâng tay ai!
Buổi đón Người về 
Ai rộn ràng trải xa muôn đệm lá 
Ai nôn nao dựng sáng mái trời mây 
Thổn thức trông Người nâng nắm đất trên tay!

Chương III: Đó là ngày gậy chống quần xăn

Cha trèo phía trước…

Mở đầu:

Chín năm một thoáng mơ mòng!
Trăm tre thành sắt, triệu lòng nên son
Đèo mây, gối hạc bon bon…
Khe sâu, giặc Pháp lăn tròn dưới chân

Và:

Lớn lên bên Hồ Chí Minh qua một thời chống Pháp.
Ta giữ trong hồn bao dấu vết còn nguyên
Có những đêm, bên đèn tâm tư lần giở ra xem,
Trông thấy Người, trên trang Nhật ký đời ta, rành rành mỗi bước…

Chương IV: Lưng kề vào phía Bắc

Cửa phên nan lồng lộng hướng về Nam

Mở đầu:

Yêu sao: Dép của lầm than
Bước lên bục vẫn nhà sàn… thay ngai!
Cho dù vẹt gót long quai 
Mòn đêm, dép vẫn ruổi dài Trường Sơn

Và:

Chỉ chín năm sau
Gió thời gian chưa phai màu áo nâu đôi dép lốp lại trở về Hà Nội 
dễ dàng thay, đã vào nguyên kỷ mới

Chương V: Trái tim Người thức với thời gian

Đêm nâng bước mỗi độ đường nguyên kỷ

Mở đầu:

Bác đi chất Việt lưu truyền,
Trung dài theo nước, hiếu bền cùng dân
Bác đi, gửi lại đường xuân Ta càng bước tới càng gần Bác hơn 

Và:

Sớm thu ấy, bỗng vầng dương bưng mặt.
Ngôi sao mai đỏ ngầu con mắt
Gió đòi cơn, vật vã giông, mưa…
Núi sông này rũ dưới cờ tang, nức nở tiễn đưa.

Khúc kết

Một thiên kỳ ngộ, ơ này
Sử thi đâu dám đặt bày trăm năm.
Được Người kết mối tri âm
Triệu lòng ta thấu ơn thâm nghĩa dày.
“Mỹ nhân” trong mộng khôn tày
Bác trên non nước rạng đầy khuôn trăng
Chong đèn, lặng trước chân dung
Đất thơm nuôi vạn bách tùng là đây.

*
**

Đọc mấy dòng thơ, nhớ bạn xưa là đầu đề của bài viết này. Nhớ bạn xưa là nhớ Đào Anh Kha. Cũng là nhớ những người bạn cùng lứa từ miền nam tập kết ra bắc sau chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp, vào cuối những năm 50 thế kỷ trước. Nhớ cả những anh chị em thời đó, dù lớn hay nhỏ một vài tuổi, cùng làm việc ở Báo Nhân Dân. Riêng Đào Anh Kha, sau một thời gian không dài, đã chuyển sang tham gia Hội Quốc tế ngữ. Năm 1991, khi làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, tôi có nhận được một bức thư ngắn của anh với một đề nghị nhỏ. Anh tặng tôi tập sách in năm 1990. Và cho biết: Tập trường ca đã được Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh in 500 quyển, chỉ một thời gian ngắn, đã bán sạch, không còn để chuyển ra bắc. Anh đề nghị tôi “có một sự can thiệp nào đó, để cho một nhà xuất bản (ví dụ Nhà xuất bản Văn học) chủ trương in lại tác phẩm này với một số lượng cần thiết”. Lúc này, tuy là Trưởng ban, tôi không trực tiếp phụ trách công tác xuất bản. Vả chăng, tôi không thể, và cũng không cho phép mình có bất cứ sự can thiệp nào vì tình nghĩa riêng tư dù là nhỏ nhất.

Nơi chín suối, chắc anh cũng thông cảm cho.

Xuân 2022