Chuẩn bị kịch bản để không bị động

Trước diễn tiến mới về tình hình dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 20/7/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19.

Lực lượng liên ngành tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HẢI NAM
Lực lượng liên ngành tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: HẢI NAM

Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách

Theo quyết định, Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tổ công tác theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thành phần Tổ công tác gồm các đồng chí Thứ trưởng các bộ: Quốc phòng (Tổ trưởng), Công an, Y tế (Tổ phó); Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Công thương, Giao thông vận tải; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh (thành viên).

Các đồng chí thành viên là Thứ trưởng các bộ thực hiện quyền hạn của Bộ trưởng trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ mình và phối hợp các thành viên Tổ công tác để thực hiện công tác điều phối chung của tổ và thực hiện sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 20/7 thể hiện sự quyết tâm cao trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết nêu rõ: Giao Bộ trưởng Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan ban hành danh mục mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch.

Căn cứ tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, yêu cầu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch hiện nay, được áp dụng quy định về mua sắm tại các Điều 22 và Điều 26 Luật Đấu thầu.

Bộ Y tế chủ trì, cùng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp... dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, hoàn chỉnh Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Rà soát ngay và đề xuất cụ thể yêu cầu hỗ trợ về nhân lực, nhất là bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...; các địa phương khác cũng phải rà soát, thông báo về số lượng nhân lực, các loại phương tiện, thiết bị có thể chi viện, hỗ trợ. Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Y tế tổng hợp và điều phối chung, bảo đảm không để thiếu, hụt cho các địa phương đang thực hiện giãn cách và không để chồng chéo, lãng phí.

Không tự ý đặt “giấy phép con”

Chính phủ yêu cầu tập trung, ưu tiên nguồn lực cao nhất có thể cho hoạt động phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội. Tăng cường các lực lượng chuyên môn, chuyên gia, kể cả chuyên gia độc lập bảo đảm đánh giá, nắm chắc và dự báo đúng tình hình, nguy cơ diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách và các địa phương khác; bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất ở tầm quốc gia, nhưng các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, thường xuyên trao đổi với nhau để thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện đi, đến giữa các địa phương, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả.

Các địa phương không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và người thi hành công vụ. Tập trung đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả chiến lược vaccine, trong đó tăng cường tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine để mua được nhiều vaccine nhất có thể trong thời gian sớm nhất. Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả.

Khắc phục tình trạng giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả

Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Căn cứ tình hình, diễn biến dịch trên địa bàn, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chủ động, sáng tạo, linh hoạt áp dụng các biện pháp phù hợp và có thể áp dụng các biện pháp với yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn quy định tại Chỉ thị 16, nhất là kiểm tra, giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố...; hạn chế nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa sự giao lưu, gặp gỡ giữa người với người. Rà soát, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, bất cập đã xảy ra vừa qua trong phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện giãn cách chưa nghiêm, chưa hiệu quả.

Chính phủ giao Bộ trưởng Y tế chuẩn bị kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng, chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Tuyệt đối không để thiếu bệnh viện, trang thiết bị y tế, nhất là oxy, máy thở. Bộ Tài chính chủ động phương án cân đối nguồn tài chính (bao gồm cả ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương, ngân sách tiết kiệm 10%, các nguồn ngân sách hợp pháp khác theo quy định) để đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm chặt chẽ, theo quy định. Các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính (hoặc qua hình thức lưu động) cho người dân ở các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.