Bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tiến công” với chiến lược vaccine và phương châm “bốn tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV, QH đã có buổi làm việc tại hội trường nghe các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước (NSNN). 

Báo cáo trước QH, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, sáu tháng đầu năm, các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với biến chủng mới. Trong nước, đợt dịch thứ tư với sự xuất hiện của chủng mới Delta đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành phố phía bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và tác động nghiêm trọng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Năm 2020 và sáu tháng đầu năm 2021, NSNN đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền 168.800 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tiến công” với chiến lược vaccine và phương châm “bốn tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả. Hiện, đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực KT-XH. Số DN rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên; đời sống một bộ phận người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là tại các địa phương bùng phát dịch và thực hiện giãn cách xã hội… Trật tự an toàn xã hội có thể diễn biến phức tạp hơn do thiếu công ăn việc làm dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Thời gian tới, dự báo đại dịch Covid-19 còn rất phức tạp, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Tiếp tục nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo năm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vaccine”. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh đang bùng phát mạnh. Kêu gọi người dân tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch, Chính phủ cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cấp, ngành, địa phương triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm thấp nhất các ca tử vong. 

Trình bày Báo cáo Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của QH Vũ Hồng Thanh lưu ý, việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Chiến lược vaccine của nước ta gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên. Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hóa nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

“Về vấn đề trong nửa năm 2021, đã có hơn 70.200 DN rút lui khỏi thị trường, UBKT của QH đề nghị, Chính phủ duy trì, phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động và tiếp tục giải pháp giảm chi phí đầu vào cho DN với phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ ở mức cao nhất cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Chính phủ cần xây dựng kịch bản phòng, chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, hạn chế thấp nhất các khu vực bị phong tỏa, ảnh hưởng đến sản xuất. Chính phủ xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của DN để giảm lãi suất cho vay một cách thực chất”, Chủ nhiệm UBKT của QH Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đã cập nhật, bổ sung tình hình, tác động của Covid -19. Chính phủ đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng hai chỉ tiêu so giai đoạn 2016 - 2020, với tám chỉ tiêu về kinh tế, chín chỉ tiêu về xã hội và sáu chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP…