HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Báo chí là vũ khí sắc bén, nhà báo là chiến sĩ xung kích

Như chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi làm nhà cách mạng chuyên nghiệp, Bác từng là nhà báo thực thụ. Nói cách khác, để tiếp cận và truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin; để tuyên truyền, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đoàn kết lật đổ ách thống trị của bọn đế quốc, thực dân, phong kiến, Bác Hồ thường xuyên sử dụng và phát huy cao nhất vai trò của báo chí cách mạng, coi đó là vũ khí sắc bén để “mở đường”, “chỉ hướng” cho sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta trong mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể.

Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch. Ảnh: DUY LINH
Đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch. Ảnh: DUY LINH

Chúng ta đều nhớ rõ, sau ngày toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946), đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn trước một đội quân nhà nghề có vũ khí, trang thiết bị và lực lượng vật chất mạnh hơn ta gấp bội phần - như một nhà báo phương Tây gọi đó là cuộc “châu chấu đá voi”. Nhưng ngay từ ngày đầu năm 1947, Bác Hồ đã thông qua báo chí, để giải thích cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ đường lối toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến với phương châm lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Bác chỉ rõ: “Địch muốn dùng cách đánh mau, thắng mau. Nếu chiến tranh kéo dài, hao binh tổn tướng, chúng sẽ thất bại… Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa” (trang 151)(1). Vì vậy, cùng với các lực lượng khác, báo chí cần tích cực tham gia công tác động viên và tổ chức toàn dân kháng chiến, khơi gợi ý chí “Mỗi công dân là một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào” đưa kẻ thù vào “thiên la địa võng”. Báo chí cần làm cho nhân dân hiểu rõ rằng “… nó lấy vũ lực ta không sợ. Nó lấy chính trị, ta không mắc mưu. Nó lấy kinh tế phong tỏa, thì ta lấy kinh tế ta đánh nó. Ta tăng gia sản xuất. Ta lợi hơn nó là nó không thể kéo dài được, mà ta thì có thể kéo dài” (trang 58). “Vừa kháng chiến,/ Vừa kiến quốc.” (trang 444).

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến đầy cam go ở giai đoạn cầm cự, ngày 6/9/1949, Bác Hồ viết thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng - đây là lớp học đầu tiên được mở tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên với sự tổ chức bài bản, có nội dung chương trình học tập hệ thống gắn liền thực hành, với đội ngũ giáo viên đều là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, như Trường Chinh (dạy viết xã luận), Võ Nguyên Giáp (dạy viết tin chiến sự), Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu, Xuân Trường, Quang Đạm… (dạy về các thể loại báo chí, đồng thời cung cấp tình hình về cuộc kháng chiến kiến quốc); một số nhà văn nổi tiếng, như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… trình bày các chuyên đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật… Trong thư ngắn gọn, Bác chỉ rõ các nhà báo cần nắm vững mấy điểm chính:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:

5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 

6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. (trang 625)

Bác thân tình chỉ ra mấy khuyết điểm chính của báo chí:

Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều, không biết giữ bí mật; đôi khi dùng tin vịt, hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai, ba đoạn, khó đọc; tin tức chậm. Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to…

Trong thời điểm bế giảng lớp học, ngày 12/9/1949, Bác lại gửi thư tỏ ý lấy làm tiếc vì bận công việc không đến dự, nên gửi mấy dòng chia sẻ, Bác tự coi mình như là đồng nghiệp nên dí dỏm nêu “thí dụ rằng: 3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công” (trang 653). 

Tôi đã đọc rất kỹ hai bài nói chuyện của Bác Hồ tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II vào năm 1959 và lần thứ III vào năm 1962. Trong một bài viết nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, tôi đã có bài viết khá chi tiết về cảm nhận của cá nhân với tư cách là người làm báo chung quanh những lời kể hấp dẫn về cách Bác học viết báo và thật sự viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pháp. Sau này, trong thập niên 20 của thế kỷ XX, Bác trở về Quảng Châu (Trung Quốc), vừa mở lớp đào tạo cán bộ là những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang, vừa sáng lập tờ báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam - một việc làm cấp bách chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 tại Hồng Công (Trung Quốc). Để có công cụ giáo dục và truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin và huấn luyện phương pháp tiến hành cách mạng, Bác quyết định xuất bản báo Thanh Niên, do Người vừa là chủ bút, vừa là phóng viên viết tin, bài, chụp ảnh chủ yếu, vừa kiêm họa sĩ trình bày ma két và tự vẽ nhiều tranh minh họa. Nghiên cứu cuộc đời hoạt động báo chí, và nhất là đọc hàng ngàn bài báo trong suốt quá trình chỉ đạo cách mạng mà Bác đã viết cho các báo (trong đó có Báo Nhân Dân gồm hơn 1.200 bài với hàng chục bút danh khác nhau), chúng ta trân trọng đúc kết “10 chữ vàng” trong kinh nghiệm làm báo của Bác Hồ - đó là: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?

Hơn 6 thập niên qua, “10 chữ vàng” ấy đã và đang là kim chỉ nam cho những người làm báo cách mạng nước ta, đặc biệt đã được cụ thể hóa và ghi vào Điều 1 của Luật Báo chí Việt Nam đầu tiên được Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/12/1989: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân”. Trong Điều 3 ghi rõ các loại hình báo chí, gồm báo in, báo nói, báo hình (chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, bằng tiếng nước ngoài…

Như vậy, với các nội hàm nêu trên, chúng ta càng hiểu rõ báo chí phục vụ ai và phục vụ bằng các loại hình nào? Vấn đề quan trọng tiếp theo mà Bác Hồ chỉ ra là viết như thế nào để người đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; thông qua đó, các tầng lớp nhân dân ta củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, ra sức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để biến các mục tiêu cách mạng thành hiện thực cuộc sống. Đối chiếu với yêu cầu đó, chúng ta vui mừng và tự hào trước sự trưởng thành và phát triển vượt bậc của đội ngũ báo chí cách mạng nước ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đã có hơn 400 nhà báo - liệt sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của đất nước trong tư thế vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng. Đã có hàng ngàn bài báo lay động lòng người, khơi gợi lòng yêu nước và truyền thống tự hào dân tộc, cổ vũ ý chí dũng cảm vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, góp sức tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tự hào, một số nhà báo đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hoặc Anh hùng Lao động thời đổi mới. Hội Nhà báo Việt Nam thay mặt giới báo chí cả nước đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng. 

Một số cơ quan nhật báo đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng và danh hiệu Anh hùng Lao động…

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay, báo chí một lần nữa thể hiện vai trò xung kích, là vũ khí sắc bén trên mặt trận đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó nhấn mạnh trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế và tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua báo chí, nhiều nhân tố mới, nhiều cách làm hay trong kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, trật tự trị an… được lan tỏa rộng rãi, trở thành phong trào cách mạng có tính quần chúng, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội. Từ một đất nước thiếu ăn trầm trọng, chỉ sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (thường gọi là “Khoán 10”), chúng ta không chỉ đã tự lo được về lương thực, mà còn tham gia xuất khẩu; hàng chục năm gần đây là cường quốc xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba trên thế giới. Trong chiến công to lớn ấy, có sự góp sức tích cực và quan trọng của đội ngũ báo chí.

Các cơ quan báo chí và nhiều phóng viên, biên tập viên đã dành tâm sức nghiên cứu, viết nhiều bài có tính thực tiễn - lý luận về mối quan hệ giữa ba nhiệm vụ căn cốt để phát triển đất nước - đó là phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần xã hội. Đặc biệt, khi BCH TW Đảng khóa XI và khóa XII ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, nhiều tờ báo đã mở các chuyên mục, như: “Phòng chống tham nhũng, lãng phí”; “Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”…, đã tạo nên khí thế mới, niềm tin mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyết tâm thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhằm làm trong sạch các tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở. Theo đó, đã xuất hiện hàng trăm bài phóng sự - điều tra công phu của nhiều phóng viên với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, mặc dù quá trình thực hiện những việc làm này, các cơ quan báo chí và phóng viên thực thi đã phải chịu không ít áp lực, thậm chí đã phải vượt qua sự mua chuộc bằng vật chất hoặc lời hù dọa của nhóm “xã hội đen”… Nhưng với bản lĩnh kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, các nhà báo được toàn xã hội ghi nhận, tôn vinh thông qua các cuộc thi “Giải Búa liềm vàng”, “Giải Báo chí quốc gia”. Thông qua nhiều bài viết về chống tiêu cực, các cơ quan chức năng có thêm tài liệu để mở rộng điều tra, tiến hành khởi tố, xét xử nghiêm minh hàng chục vụ trọng án, được cán bộ, nhân dân đồng tình và hoan nghênh, tạo được sự đồng thuận xã hội rộng lớn.

Trong lĩnh vực đối ngoại, báo chí thật sự là nhịp cầu hữu nghị nối Việt Nam với bạn bè thế giới, phản ánh sinh động và đa dạng những việc làm thể hiện nước ta là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp sức vào sự nghiệp củng cố hòa bình, tăng cường hữu nghị, hợp tác và phát triển; qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…

Hai năm gần đây, trước sự đe dọa nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, một lần nữa báo chí thể hiện vai trò xung kích, nhiều nhà báo thật sự là chiến sĩ dũng cảm trên tuyến đầu chống dịch.

Bằng thực tiễn sinh động nêu trên, chúng ta càng thấm thía lời khẳng định của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa nhiệm vụ “xây”“chống”, lấy “xây” là chính, các nhà báo chúng ta chắc chắn sẽ “gặt hái” được nhiều thành tựu hơn nữa, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân!

(Còn nữa)

Hà Nội, 18/9/2021

1- Những trích dẫn trong bài này đều lấy từ “Hồ Chí Minh toàn tập”, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, H.2009.