Vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật

Sau khi thông tin về việc ngày 5-5-2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực thi lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bảo Tiên (TP Tuy Hòa, Phú Yên) để điều tra về tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự được công bố, các địa chỉ truyền thông vốn thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam lập tức đồng loạt rùm beng đưa tin và bình luận để vu cáo, xuyên tạc.

Điểm qua có VOA, RFA, BBC… Nơi thì phỏng vấn kẻ gọi là “đại diện NXB Tự do”, nơi thì đưa tin, bình luận theo thư điện tử hoặc “tuyên bố” của cái gọi là “NXB Tự do”! Thiết nghĩ, không cần đề cập nội dung thư điện tử hoặc tuyên bố đó làm gì, vì ai quan tâm cũng đều có thể biết họ phát ngôn như thế nào. 

Tuy nhiên nhân sự kiện này, trả lời phỏng vấn của BBC, một vị luật sư ở trong nước lại đi đến chỗ cho rằng “điều 117 là điều không nên có trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, bởi nó đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó quy định người dân được quyền tự do ngôn luận”. Vậy thử hỏi trước khi đưa ra ý kiến, ông luật sư đã tìm hiểu kỹ hay chưa? Bởi: sau khi khẳng định các quyền của con người trong xã hội khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền xác định: “Trong khi thực hiện các quyền và quyền tự do cho cá nhân mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng đối với các quyền và quyền tự do của người khác, đáp ứng được các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; và sau khi khẳng định “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”, “2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận...”, khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị xác định rất cụ thể: “3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Như vậy các văn bản quốc tế Việt Nam tham gia đâu có coi “tự do ngôn luận” là quyền không có giới hạn, mà đều xác định việc thực hiện quyền này “phải tuân thủ những hạn chế do luật định”, “có thể phải chịu một số hạn chế nhất định”. 

Nghiêm túc xem xét, ông luật sư sẽ thấy Điều 25 Hiến pháp của Việt Nam (2013) rất tương ứng với các công ước quốc tế, đó là khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”, đồng thời xác định việc thực hiện các quyền đó là “do pháp luật quy định”. Chẳng lẽ khi xuất hiện trên BBC yêu cầu “Việt Nam cần căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế mà làm theo, để có tiếng nói chung với luật pháp quốc tế”, ông luật sư lại không xem xét kỹ trước khi phát ngôn? Tóm lại để biện hộ cho Nguyễn Bảo Tiên, người ta có thể đưa ra nhiều ý kiến, nhưng không thể bác bỏ một nguyên tắc mà mọi quốc gia luôn tuân thủ là: Vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật!