Tin giả và thủ đoạn dựng chuyện

Theo báo chí nước ngoài, vừa qua BBC đã chính thức thừa nhận bộ phim tài liệu về một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria do BBC Radio 4 công bố năm 2018 có “nhiều điểm không chính xác, sai nghiêm trọng”.

Dù quá muộn, nhưng thừa nhận của BBC vẫn cho thấy trách nhiệm không thể chối cãi của cơ quan truyền thông này, vì sau khi công bố, bộ phim chứa đựng “nhiều điểm không chính xác, sai nghiêm trọng” đó đã được coi là một trong những lý do góp phần đẩy tới các cuộc “tấn công trả đũa” ở Syria. Thật ra với BBC thì những việc như thế cũng không có gì lạ. Điểm qua cũng có thể thấy trang tiếng Việt của BBC từng đưa tin Nguyễn Văn Hải ở trong tù đã bị “chặt đứt một tay”, hoặc từng la lối “Đã đến lúc công bố mật ước Thành Đô?”! Song sau khi Nguyễn Văn Hải xuất ngoại với hai tay nguyên vẹn và “mật ước Thành Đô” đã được chứng minh là tin bịa đặt, BBC vẫn tỉnh queo, không hạ bài!

Trong bối cảnh tin giả đang được xem là một trong những công cụ quen thuộc để các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí tấn công Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Việt Nam, việc sàng lọc thông tin không chỉ giúp bác bỏ, phê phán tin giả mà còn là cách thức nhận diện thủ đoạn của kẻ xấu. Từ phương diện này có thể thấy nổi lên thủ đoạn liên tục lợi dụng việc nhiều người đọc còn thiếu thông tin về các hiện tượng, sự kiện, vấn đề mới xảy ra, được dư luận chú ý để xuyên tạc, lèo lái dư luận theo xu hướng tiêu cực, tác động lên nhận thức cảm tính của một số người khiến họ hoang mang, nghi ngờ, thậm chí phẫn nộ. Như từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, đặc biệt làn sóng thứ tư của đại dịch đã gây hậu quả nghiêm trọng, họ triệt để việc tung tin giả, sai sự thật, thậm chí bịa đặt, dựng chuyện với mục tiêu duy nhất là tấn công vào uy tín, năng lực tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Nhìn trên diện rộng còn thấy Facebook, YouTube có một số trang ít chú ý đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, mà hằng ngày tập trung đưa ra đủ các loại tin giả từ “biểu tình” đến “đấu đá nội bộ”. Thậm chí một số trang vừa dựng chuyện vừa dai dẳng từ ngày này sang ngày khác liên tục bịa đặt thông tin về “cuộc chiến trên biển” với hình ảnh nhặt nhạnh trên mạng về máy bay bị bắn rơi, tàu chiến bị bắn chìm. Nếu người xem thiếu tỉnh táo, không cẩn trọng kiểm chứng thông tin qua báo chí chính thống trong nước hoặc từ báo chí nước ngoài, thì rất dễ bị lừa bịp rồi hoang mang, hoặc bị kích động.  

Và cũng nhìn trên diện rộng, phải nói rằng thời gian qua, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã tích cực đồng hành cùng báo chí, truyền thông chính thống, bóc trần các loại tin giả và luận điệu xuyên tạc giúp sáng tỏ sự thật, giúp công chúng rộng rãi không bị kẻ xấu lũng đoạn nhận thức rồi điều hướng phát ngôn, hành động. Như vậy, trong bối cảnh mạng xã hội - nơi rất nhiều công chúng hằng ngày tham gia, bị một số tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí lợi dụng để tung tin giả, thực hành thủ đoạn dựng chuyện ngày càng trắng trợn, tinh vi, thâm độc, nham hiểm, xảo quyệt,… thì sự đồng hành giữa người sử dụng mạng xã hội với báo chí, truyền thông càng trở nên hết sức cần thiết. Và sự đồng hành này là cơ sở quan trọng để chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến chống tin giả.