Thiếu khách quan từ thông tin không chính xác

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2020 (Báo cáo), tại cuộc họp báo thường kỳ tổ chức ngày 13-5-2021 tại Hà Nội, sau khi khẳng định Việt Nam ghi nhận Báo cáo đã đề cập các nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong bảo đảm, thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đánh giá Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.

Vì bất cứ tổ chức, cá nhân nào có cái nhìn khách quan, am hiểu đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam chắc chắn phải ngạc nhiên, không hiểu tại sao trong Báo cáo lại xuất hiện các ngôn từ như “can thiệp, bắt giữ, đe dọa, quấy rối, tịch thu tài sản, giám sát, hạn chế sinh hoạt và đi lại…”? Bởi, đó là thứ ngôn từ vốn chỉ xuất hiện và lan truyền trên địa chỉ truyền thông của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Bởi, đó là các sự kiện không có trên thực tế, mà chỉ do một số người bịa đặt để vu cáo, vu khống nhằm đạt mục đích làm ảnh hưởng uy tín của Nhà nước Việt Nam. Bởi, đó là việc làm cố tình đổi trắng thay đen để biện hộ cho hành vi sai trái của một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng tự do tôn giáo hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự phát triển xã hội… Chính vì thế, Báo cáo đã phản ánh phiến diện, nếu không nói còn thiếu trung thực, về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. 

Thiết nghĩ, nếu muốn đánh giá một cách khách quan, người soạn thảo Báo cáo cần tham khảo tài liệu, thông tin từ các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam và trực tiếp khảo sát trên thực tế, chứ không thể chỉ dựa vào thứ thông tin bịa đặt trôi nổi trên internet rồi đánh giá. Mặt khác, họ cần quan tâm trả lời các câu hỏi như: Tại sao ở Việt Nam có tới 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động? Tại sao các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có thể có hơn 29 nghìn cơ sở thờ tự, hơn 57 nghìn chức sắc, hơn 147 nghìn chức việc, 60 cơ sở đào tạo tôn giáo (tương đương trung cấp đến trên đại học)? Tại sao đã có hàng nghìn ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hàng chục triệu đầu sách và hàng triệu DVD, CD? Tại sao hầu như mọi tôn giáo ở Việt Nam đều đã có trang mạng riêng, thậm chí rất nhiều nhà chùa, giáo phận, giáo xứ cũng có trang mạng của mình?... 

Những bằng chứng sơ bộ kể trên cho thấy Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Như vậy có thể nói, những người soạn thảo Báo cáo đã thiếu khách quan trước một thực tế không thể bác bỏ và họ nên xem xét lại. Vì đó là điều không chỉ đáng tiếc, mà còn là điều hoàn toàn không nên tiến hành trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, đặc biệt là khi lãnh đạo nước Mỹ và Việt Nam từng nhiều lần khẳng định luôn tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.