Họ phản đối thì cũng là điều dễ hiểu!

Sau khi có thông tin Dự thảo Luật An ninh mạng (Luật) sẽ được Quốc hội Khóa XIV thông qua, một số người lại lên internet để xuyên tạc, coi đó là “công cụ đàn áp người bất đồng chính kiến”, “thắt chặt kiểm soát thông tin trên mạng”. Thậm chí có người lu loa Luật “không tác dụng trong khi gây ra rất nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp”.

Không chỉ vậy, một đại diện sứ quán nước ngoài ở Hà Nội bày tỏ “lo ngại” vì cho rằng Luật “tác động tới nhu cầu nội địa hóa và hạn chế đối với các dịch vụ đa quốc gia cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam”! Và đã có ý kiến phản biện khẳng định Luật chỉ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ công nghệ, kỹ thuật số, an ninh mạng, và đó chỉ là nhóm rất nhỏ so với 561.064 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Còn về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, người phản biện cũng đặt câu hỏi: Không có Luật An ninh mạng thì đâu là cơ sở luật pháp để giải quyết việc “các doanh nghiệp vẫn đang kêu cứu vì họ bị làm giả thương hiệu trên mạng xã hội, làm giả fanpage, đánh sập trang web, report tài khoản doanh nghiệp, bị đối thủ cạnh tranh tung tin xấu, thao túng…?”.

Lu loa để vu cáo song những người lên tiếng lại tảng lờ việc các nước tiên tiến quản lý an ninh mạng rất chặt chẽ. Như Khai Phùng, người Đức gốc Việt, cho biết thì ở CHLB Đức, khi mở tài khoản trên facebook, ngoài việc đồng ý các điều khoản của facebook, người đăng ký còn phải đồng ý chấp hành Luật về an ninh mạng của Đức (NetzDG), trong đó quy định người liên quan “không được biện minh” khi có hành vi vi phạm các điều bị cấm, như: “phát tán tài liệu tuyên truyền của các tổ chức vi phạm hiến pháp; sử dụng phù hiệu hoặc biểu tượng các tổ chức trái với hiến pháp; sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia; hướng dẫn người khác sử dụng bạo lực đe dọa an ninh quốc gia; giả mạo thông tin gây ảnh hưởng đến an ninh đối ngoại; công khai xúi giục hành vi phạm tội; gây rối trật tự công cộng bằng đe dọa áp dụng hành vi phạm pháp; hình thành các tổ chức tội phạm, khủng bố ở trong và ngoài nước; sưu tập về các tổ chức này; xúi giục (bạo lực, hận thù); hướng dẫn người khác phạm tội (hướng dẫn trẻ từ dưới 18 tuổi là bị quy tội); nhục mạ tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thế giới quan; xúc phạm, phỉ báng và vu khống; xâm phạm các khu vực sinh sống cá nhân bằng cách chụp ảnh; đe dọa; tạo bằng chứng giả... Ở Mỹ, thời Tổng thống Obama đã thông qua Luật trung lập trên internet (Net Neutrality) yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải coi tất cả mọi gói dữ liệu được truyền đi trên internet là bình đẳng, nhưng cuối năm 2017, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã tiến hành biểu quyết để bãi bỏ luật nói trên. Biểu quyết này đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận nước Mỹ vì họ cho rằng việc bãi bỏ “sẽ khiến internet tại Mỹ trở thành một sân chơi “chỉ dành cho người có tiền”, và các nhà mạng có toàn quyền bóp, chặn băng thông theo ý muốn, để ưu tiên các dịch vụ “con” của mình và chặn các dịch vụ tương tự khác”...!

Tóm lại, chỉ cần so sánh với Luật về an ninh mạng của Đức là đã thấy mấy người được gọi là “nhà dân chủ” đều vi phạm rất nghiêm trọng, cho nên họ phản đối Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng cũng là điều dễ hiểu!