Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII có được nhiều thành quả mới trong thời gian qua; được triển khai với nhiều sáng tạo, được thể hiện đa dạng, thiết thực trong công tác, trong đời sống của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, góp phần đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thoái hóa, biến chất...

Đặc biệt, toàn Đảng, toàn dân đang phát huy mạnh mẽ tinh thần đấu tranh chống các biểu hiện xấu, những việc làm có hại cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng xã hội văn hóa, văn minh. Trong bối cảnh đó, việc noi gương Bác Hồ kính yêu, từ lý tưởng sống và cống hiến cao cả đến những đức tính tốt đẹp và ý thức thực hành trong cuộc sống hằng ngày, sẽ càng góp phần đẩy lùi những cái xấu, cái ác, cái tham lam, ích kỷ. 

Trong hoàn cảnh đất nước đang nỗ lực vượt lên những thử thách của thời đại mới, thì soi vào lịch sử, vào cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người, vào lối sống giản dị, chan hòa, nhân ái mà Bác luôn thể hiện một cách chân thành, thiết thực, lời nói đi đôi với việc làm, chúng ta tiếp nhận được những kinh nghiệm quý báu. Những điều mà Bác trao tặng cho chúng ta, trở thành hành trang, thành nền nếp, phong cách sống, ứng xử, hành động mà ở các vai trò, vị trí công tác, việc làm, trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, chúng ta có thể áp dụng một cách phù hợp. Nhận ra sự tràn lan của đời sống vật chất và sự xa hoa, phung phí, chúng ta học tập Bác ở sự tiết kiệm, giản dị, biết đủ cho mình. Đối mặt sự tàn phá của thiên tai, chúng ta dần nhận rõ hơn và tìm hiểu về tấm lòng yêu mến, nâng đỡ, trân trọng thiên nhiên mà Bác - từ khi ở chiến khu cho đến sau này về Thủ đô - vẫn luôn ứng xử hài hòa. Trước sức tiến công dữ dội của dịch bệnh, gây ảnh hưởng lớn trong toàn xã hội, chúng ta nhớ lại những lời dạy và sự thực hành của Người về tính kỷ luật, sự nhanh nhẹn, linh hoạt trong hành động, đặc biệt là lòng tự trọng không để tập thể, cộng đồng phải chịu khó, chịu khổ vì mình. 

Ngay cả trong những phút giây hân hoan với những thành quả, những thắng lợi mới trước dịch bệnh hay những khó khăn ghê gớm khác, thì lắng nghe, có thể thấy vọng lại một tinh thần tuyệt vời của Người. Đó chính là ý thức chuẩn bị cho những khó khăn mới sẽ có thể xảy đến, có thể bị gây ra bởi nhiều những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi thế, mà năm xưa rời căn cứ địa cách mạng về xuôi, Bác đã giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ phải củng cố, phòng sau này trở lại kháng chiến; đặc biệt là giữ cho được tình thương yêu, chở che của đồng bào. Trong lúc chiến tranh còn diễn ra ác liệt, Bác đã sớm nghĩ đến việc bồi dưỡng đội ngũ chủ nhân tương lai để sau này tái thiết đất nước.

Bác Hồ dạy chúng ta đến tận hôm nay. Ngay cả khi chúng ta nhận ra trong phong trào học tập Người, có lúc, có nơi còn hình thức, còn lúng túng, thì như có lời căn dặn, đừng khoa trương, mà hãy gắn vào những việc cụ thể, thiết thực; học tập và rèn luyện để phục vụ quần chúng nhân dân chứ không mòn sáo, chung chung, không phải để lấy thành tích. Và cũng đừng khiên cưỡng, Bác Hồ không muốn như vậy, mà như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.