Xây dựng con người văn hóa

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội và các đầu cầu trên khắp 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân.

Đã 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), và 73 năm từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (từ 16 đến 20/7/1948), hội nghị lần này nêu cao quan điểm kế thừa bản sắc giá trị văn hóa con người Việt Nam, đề cao những giá trị căn bản truyền thống của dân tộc, đồng thời phát huy những giá trị tinh thần quý báu của ông cha truyền lại. Các giá trị văn hóa quý báu thật sự đã trở thành hành trang quan trọng cho mỗi cá nhân, tập thể trong quá trình xây dựng đất nước và con người xã hội chủ nghĩa. 

Còn nhớ thời kỳ đầu gian khó những năm 1945-1946 của thế kỷ trước, khi mà Đảng ta và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải gồng mình cùng với đồng bào chống lại ba thứ “giặc”. Cho tới thời điểm này, những thành công của nhiệm vụ ban đầu quan trọng ấy đã trở nên dấu son trong lịch sử. Tại Hội nghị lần này, nhiệm vụ “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” được đặc biệt quan tâm.

Trải qua 35 năm đổi mới, 46 năm kể từ khi thống nhất đất nước, Đảng ta không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng và phát triển văn  hóa, con người Việt Nam. Những thành quả trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời gian qua là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trên cơ sở thực tiễn phong phú, đa dạng và sinh động, để đáp ứng những yêu cầu nảy sinh trong bối cảnh mới và tình hình mới, nhất là trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những biến chuyển nhanh chóng trong cuộc sống và tư duy toàn cầu, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế, xã hội đã được tăng cường đấu tranh bằng nhiều hình thức. Môi trường văn hóa ở phần đông các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, lành mạnh hơn. 

Cho tới nay, nền văn học, nghệ thuật của nước nhà tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo là chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, dân chủ, nhân văn, phản ánh chân thực đời sống của nhân dân; đấu tranh lên án, đẩy lùi cái xấu, cái ác, những biểu hiện lai căng, lạc lõng; ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, thành tựu công cuộc đổi mới… vẫn trên đà phát triển.

Việc xây dựng con người văn hóa đồng nghĩa với việc kéo giảm những sai phạm về kinh tế và xã hội. Bởi chính chiều sâu văn hóa trong tâm hồn mỗi cá nhân sẽ quyết định cho việc ngăn chặn hoặc hạn chế những nguy cơ, hành vi sai phạm. Từ đó có những tác động trực tiếp của mỗi nhân tố tới sự phát triển tốt đẹp của xã hội.

Từ truyền thống, những bài học sâu sắc qua lịch sử dựng nước và giữ nước, với sự quan tâm và chú trọng đặc biệt của cả hệ thống chính trị và con người, việc tập trung xây dựng con người làm trung tâm để từ đó vừa giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời phát triển nền văn hóa ở tầm cao hơn, hòa hợp giữa văn hóa và kinh tế, xã hội sẽ góp phần đưa Việt Nam hội nhập với thế giới mà vẫn giữ bản sắc và những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam.