Tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, trở thành một ngành kinh tế năng động của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã xuất hiện tình trạng “người cày có ruộng, nhưng không cày” ở nhiều địa phương trên cả nước. 

Công nghiệp, thương mại phát triển, cơ cấu lao động thay đổi đã làm cho sức hấp dẫn của sản xuất nông nghiệp truyền thống giảm đi đáng kể. 

Nông nghiệp truyền thống đơn điệu về phương án sản xuất, chưa thật sự tạo ra nhiều đột phá về quy mô, mục tiêu lợi nhuận, hơn nữa lại vẫn còn hạn chế bởi một số cơ chế, chính sách lạc hậu, khiến cho nguồn lực đất đai ngày càng lãng phí.

Hiện có ba tình huống lãng phí đất đai trong nông - lâm nghiệp: Thứ nhất, người dân có ruộng không tập trung đầu tư cho nông nghiệp, vì làm việc khác có lợi hơn. Thứ hai, người dân có ruộng không thể tập trung đầu tư cho nông nghiệp, vì mất và thiếu sức lao động. Thứ ba, người muốn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, đột phá về quy mô sản xuất nông nghiệp, đột phá về lợi nhuận, nhưng lại thiếu đất.

Chính sách giao khoán ruộng đất đã từng giúp người nông dân có sự thay đổi tích cực trong sản xuất, mang lại sự ổn định về kinh tế, chính trị cho đất nước suốt thời gian dài, nhưng trước những bước tiến vũ bão của khoa học - công nghệ, của thời đại và hiệu quả đổi mới kinh tế của chính chúng ta, chính sách này đang dần bộc lộ một số bất cập, lạc hậu.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, quy hoạch đất đai nhằm bảo đảm một chiến lược an ninh lương thực vẫn theo cách tính toán cũ đã khiến cho các kịch bản sản xuất nông nghiệp trở nên kém linh hoạt. Các cấp chính quyền và nông dân phần lớn ngại lên tiếng thay đổi những quy hoạch cơ cấu trồng trọt, chăn nuôi vốn đã định hình, mặc dù các quy hoạch này đã trở nên lỗi thời, mặc dù bản thân họ từng nhận thức hoặc trải nghiệm sự bất hợp lý.

Nông nghiệp thật sự đang cần một luồng gió mới, để xóa bỏ những cách làm trở nên lạc hậu này.

Chúng ta đang tiến tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, để nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sẽ phải tạo ra những điều kiện mới phù hợp phương thức sản xuất trong tình hình mới, trong đó những sửa đổi về cơ chế quản lý ruộng đất cần được tính toán, điều chỉnh phù hợp nhằm góp phần tạo ra hiệu quả thực chất và thiết thực.