Tránh tổn thương con trẻ

Một số vụ việc xâm hại trẻ em ở mức độ nghiêm trọng xảy ra đã được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ. 

Đã có những đối tượng bị khởi tố. Có vụ đã được lãnh đạo Chính phủ trực tiếp yêu cầu cơ quan công an vào cuộc, từ đó đã có những thay đổi về tội danh. Sự khẩn trương ấy là cần thiết và những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ vi phạm sẽ góp phần tạo dựng một môi trường tốt đẹp, an lành hơn cho thế hệ tương lai.

Có lẽ trong những ngày giáp Tết chẳng mấy ai không nhớ về cái cảm giác nôn nao với những trò chơi quen thuộc cùng đám bạn thuở thiếu thời. Đã có những lúc có mấy ai ở cái thời non dại ấy không có những trận đòn roi từ bố mẹ. Để rồi lớn lên, những cái kỷ niệm từ những roi tre, thước kẻ, thậm chí cả những cái roi mây vẫn cứ hằn in trong ký ức như những kỷ niệm “đáng sợ” mà gần gũi khó quên.

Ở thời kỳ mà bất kỳ ai cũng dễ bị tổn thương bởi cách ly và khó khăn do dịch bệnh, người ta đương nhiên nhiều nguy cơ dễ dàng nổi cáu bởi những việc vụn vặt đẩu đâu. Ảnh hưởng tâm lý tới mỗi cá nhân là điều khó tránh khỏi. Để những ảnh hưởng tâm lý ấy không trở thành những sự cố, vụ việc đáng tiếc tới con trẻ không hẳn và không chỉ là việc mà tự thân mỗi cá thể có đủ năng lực xử lý. Nó cần sự sát sao vào cuộc từ cộng đồng, xã hội và những đoàn thể có chức năng đã được giao phó.

Việc dạy dỗ trẻ con trong mỗi gia đình luôn là nỗi lo của những người làm cha mẹ. Trong bối cảnh toàn xã hội gồng mình phòng, chống dịch Covid-19 mấy năm gần đây, những đứa trẻ thay vì được phát triển một cách bình thường trong một không gian xã hội thoáng và cởi mở thì lại phải dành phần lớn thời gian trong nhà. Mọi giao tiếp với bạn bè, xã hội chủ yếu là thông qua mạng internet. Những đứa trẻ thời Covid lớn lên như thế có lẽ tự nó đã mang những thương tổn nhất định. Cái sự quan tâm, chăm nom, săn sóc với mỗi đứa trẻ trong thời điểm này đương nhiên thêm cần thiết.

Thời nào cũng vậy, trẻ con cần dạy dỗ, chăm sóc. Dạy và chăm sóc trẻ chu đáo sẽ giúp trẻ phát triển đúng hướng, lành mạnh nhưng cũng đòi hỏi người lớn phải thật sự quan tâm, dành nhiều tình thương hơn, mất thời gian hơn. Chấp nhận bỏ bớt thời gian dành cho trẻ, sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc và những ảnh hưởng tâm lý xấu cho trẻ sau này. Biết những ảnh hưởng tâm lý do dịch bệnh cũng chính là cách để người lớn tự điều chỉnh hành vi trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là những hành vi dễ khiến con trẻ tổn thương.